Mất hành lý ở sân bay, ai chịu trách nhiệm?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật hình sự 2015;
- Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Nội dung trả lời:
Trước khi lên máy bay, hành khách buộc phải làm đầy đủ các thủ tục đặt vé, ký gửi hành lý, hàng hóa và nộp phí vận chuyển. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 522, 530 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 143 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, giữa hành khách và hãng hàng không đã hình thành 2 hợp đồng dân sự: Hợp đồng vận chuyển hành khách và Hợp đồng vận chuyển tài sản (đối với hành lý, hàng hóa ký gửi).
Điều 534 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển như sau:
1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.
3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Khoản 1 Điều 149 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 cũng quy định: “Hành lý ký gửi là hành lý của hành khách được chuyên chở trong tàu bay và do người vận chuyển bảo quản trong quá trình vận chuyển”.
Theo đó, hãng hàng không đã nhận chuyên chở hành lý ký gửi của Anh/Chị, vì vậy hãng có nghĩa vụ bảo đảm sự an toàn, đầy đủ đối với tài sản của Anh/Chị. Trong trường hợp, hành lý ký gửi bị mất mát, hư hỏng, hãng hàng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 161 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định:
1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi do sự kiện xảy ra từ thời điểm người gửi hàng, hành khách giao hàng hóa, hành lý ký gửi cho người vận chuyển đến thời điểm người vận chuyển trả hàng hóa, hành lý ký gửi cho người có quyền nhận; đối với vận chuyển hàng hóa, thời gian trên không bao gồm quá trình vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ nội địa được thực hiện ngoài cảng hàng không, sân bay.
2. Trường hợp xảy ra mất mát, thiếu hụt hoặc hư hỏng hành lý xách tay, người vận chuyển chỉ chịu trách nhiệm bồi thường nếu người vận chuyển có lỗi gây ra thiệt hại.
Trường hợp hàng hóa, hành lý đã được bồi thường nhưng sau đó hàng hóa, hành lý lại đến địa điểm đến thì người nhận hàng, hành khách vẫn có quyền nhận số hàng hóa, hành lý đó và hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho người vận chuyển.
3. Trường hợp hàng hóa đã được người vận chuyển hàng không tiếp nhận thì bất kỳ thiệt hại nào cũng được coi là kết quả của sự kiện xảy ra khi vận chuyển bằng đường hàng không mà không phụ thuộc vào phương thức vận chuyển thực tế, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được thiệt hại xảy ra trong giai đoạn vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy nội địa. Trường hợp người vận chuyển thay thế một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển bằng đường hàng không bằng phương thức vận chuyển khác mà không được sự đồng ý của người gửi hàng thì việc vận chuyển bằng phương thức khác đó được coi là vận chuyển bằng đường hàng không.
4. Người vận chuyển phải hoàn trả cho người gửi hàng, hành khách cước phí vận chuyển đối với số hàng hóa, hành lý ký gửi bị thiệt hại.
Mức bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa, hành lý được quy định tại Điều 162 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:
- Theo thoả thuận giữa các bên, nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế;
- Theo mức giá trị đã kê khai của việc nhận hàng hoá, hành lý ký gửi tại địa điểm đến. Trường hợp người vận chuyển chứng minh được giá trị đã kê khai cao hơn giá trị thực tế thì mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế;
- Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hàng hoá, hành lý ký gửi không kê khai giá trị;
- Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý xách tay.
- Trong trường hợp hàng hoá, hành lý ký gửi không kê khai giá trị mà bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng và không xác định được giá trị thiệt hại thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển được tính đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại là 17 đơn vị tính toán cho mỗi kg hàng hóa. Trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị của việc nhận hàng hoá tại nơi đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.
Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Đơn vị tính toán được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Nếu hãng hàng không không bồi thường cho Anh/Chị hoặc Anh/Chị không đồng ý với mức bồi thường mà hãng hàng không đưa ra thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hãng đó đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định tại Điều 170 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trong trường hợp phát hiện, bắt giữ được người đã thực hiện hành vi trộm cắp hành lý hoặc có hành vi khác làm mất mát hành lý của hành khách thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 hoặc tội khác theo hành vi cấu thành tương ứng, người phạm tội còn bị buộc phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu, đồng thời phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật