Hồ sơ giải quyết tố cáo

Hồ sơ giải quyết tố cáo gồm những tài liệu gì? Việc lập, quản lý, sử dụng hồ sơ giải quyết tố cáo như thế nào? Người gửi: Trần Thanh Nhàn - Phong Điền (Ngày gửi: 31/05/2015)

Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Theo quy định tại Điều 29 Luật tố cáo, Hồ sơ vụ việc tố cáo gồm:

-         Đơn tố cáo hoặc bản ghi nội dung tố cáo;

-         Quyết định thụ lý giải quyết tố cáo;

-         Biên bản xác minh, kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết;

-         Văn bản giải trình của người bị tố cáo;

-         Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh;

-         Kết luận nội dung tố cáo;

-         Quyết định xử lý, văn bản kiến nghị biện pháp xử lý (nếu có);

-         Các tài liệu khác có liên quan.

Thông tư số 06/2013/TT-TTCP có quy định Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm giúp người giải quyết tố cáo lập hồ sơ giải quyết tố cáo. Thời điểm mở hồ sơ giải quyết tố cáo là ngày Tổ xác minh được thành lập. Thời điểm đóng hồ sơ giải quyết tố cáo là ngày người có thẩm quyền thực hiện xong việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đóng hồ sơ, Tổ trưởng Tổ xác minh hoàn tất việc sắp xếp, lập mục lục và bàn giao hồ sơ cho bộ phận lưu trữ của cơ quan của Tổ trưởng Tổ xác minh hoặc bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác được người giải quyết tố cáo giao quản lý hồ sơ  giải quyết tố cáo.

Việc lưu giữ, khai thác, sử dụng hồ sơ vụ việc tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào