Tiêu chuẩn chức danh Phát thanh viên hạng I
Viên chức Phát thanh viên hạng I có nhiệm vụ - Chủ trì xây dựng, biên tập kịch bản đọc, giới thiệu và dẫn chương trình; chủ trì biên soạn tài liệu, nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho phát thanh viên hạng dưới; Tham gia hội đồng tuyển dụng chức danh nghề nghiệp phát thanh viên; Chủ trì xây dựng quy trình, quy phạm nghiệp vụ, kỹ thuật của công tác phát thanh trên sóng; Đọc, giới thiệu và dẫn lời bình lưu loát tất cả các thể loại văn bản có tính phức tạp cao, sử dụng ngôn ngữ chuẩn tiếng Việt, không lẫn từ địa phương; Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ phát thanh viên hạng dưới trong việc biên tập, xây dựng kịch bản; đọc, giới thiệu và dẫn lời bình chương trình; Nắm vững tinh thần, nội dung văn bản để tiết chế ngữ điệu, âm lượng, chất giọng và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh, tính chất và thể loại văn bản truyền tải; chủ động trong mọi tình huống, có biện pháp kịp thời khắc phục, ứng phó với trường hợp đột xuất ngoài kịch bản; Biên tập những sai sót, lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả và lỗi nội dung trong văn bản thể hiện; kịp thời sửa chữa, khắc phục nhằm hoàn thiện chương trình cả về hình thức lẫn nội dung; Định hướng, xây dựng phong cách phát thanh riêng cho đội ngũ phát thanh viên mang bản sắc của đơn vị; Thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế, nguyên tắc hoạt động của phòng thu, phòng đọc và của đơn vị; Chủ trì xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức phát thanh viên hạng dưới; Tham gia hội đồng tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức phát thanh viên hạng dưới.
Để có chức danh nghề nghiệp Phát thanh viên hạng I thì viên chức phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Điều 2 và Điều 11 Thông tư 46/2017/TT-BTTTT về quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, cụ thể như sau:
1. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
- Chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về thông tin và truyền thông.
- Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới, tự nâng cao trình độ; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;
- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ;
- Có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh phát thanh viên hạng I.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
- Nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
- Thành thạo về nghiệp vụ chuyên ngành; về quy trình nghiệp vụ, quy phạm kỹ thuật, các thuật ngữ, văn phạm và văn phong của ngôn ngữ;
- Am hiểu về xã hội học, phong tục, tập quán, nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc trong nước và nước ngoài;
- Đã chủ trì hoặc tham gia đọc ít nhất 03 (ba) tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật, khoa học chuyên ngành thừa nhận hoặc đạt giải thưởng; hoặc tham gia ít nhất 02 (hai) công trình lý luận, nghiên cứu lý luận về khoa học nghiệp vụ chuyên ngành (cấp Bộ, tỉnh hoặc tương đương);
- Viên chức thăng hạng từ chức danh Phát thanh viên hạng II lên chức danh Phát thanh viên hạng I phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và có tổng thời gian giữ chức danh Phát thanh viên hạng II và chức danh tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm (từ đủ 72 tháng), trong đó có ít nhất 02 (hai) năm (từ đủ 24 tháng) giữ chức danh Phát thanh viên hạng II.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật