Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH thì thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được quy định cụ thể như sau:
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) được xác định bằng tổng các thời gian sau:
- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);
- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
- Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật