Việc bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã được thực hiện ra sao?

Việc bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm nghề tự do tại Ninh Thuận. Khi đọc báo, theo dõi tin tức, tôi thấy một vài bài viết, thông tin có đề cập đến hoạt động của lực lượng Công an xã, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, hiện nay, lực lượng Công an xã được bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất hoạt động ra sao? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!  Tiến Tài (tai***@gmail.com)

Ngày 21/11/2008, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công an xã 2008. Pháp lệnh này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách đối với Công an xã.

Theo đó, việc bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Pháp lệnh công an xã năm 2008. Cụ thể như sau:

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. 

2. Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện cần thiết khác cho Công an xã. 

3. Chi ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của Công an xã được thực hiện như sau: 

a) Nhiệm vụ chi của Bộ Công an: 

- Bảo đảm công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã do Bộ Công an tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó; 

- Sản xuất, mua sắm, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, mẫu trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã; 

- Chi tổng kết, khen thưởng trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do Bộ Công an tổ chức; 

- Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. 

b) Nhiệm vụ chi của địa phương: 

- Chi trả tiền lương, phụ cấp và đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

- Thực hiện các chế độ, chính sách: bồi dưỡng, trợ cấp, ốm đau, thai sản, tai nạn, bị thương, bị hy sinh hoặc từ trần; 

- Chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ do địa phương tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các đợt đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó; 

- Mua sắm trang phục, phù hiệu và in, cấp Giấy chứng nhận Công an xã theo mẫu quy định của Bộ Công an; 

- Chi sơ kết, tổng kết và khen thưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do địa phương tổ chức; 

- Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của địa phương. 

Đối với một số nhiệm vụ chi nếu đã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, ngân sách nhà nước không thực hiện nhiệm vụ chi này; 

c) Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm cho hoạt động của Công an xã được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. 

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm kinh phí thực hiện Pháp lệnh Công an xã và Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trên đây là nội dung hỗ trợ đối với thắc mắc của bạn về việc bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Pháp lệnh công an xã năm 2008.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào