Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm nghề tự do tại Đà Nẵng. Khi đọc báo, theo dõi tin tức, tôi thấy một vài bài viết, thông tin có đề cập đến hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát cơ động không được thực hiện những hành vi nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!  Đào Anh Thư (0907****)

Ngày 23/12/2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Theo đó, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 6 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013. Cụ thể bao gồm:

1. Tổ chức, điều động, sử dụng Cảnh sát cơ động trái với quy định của Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chống lại hoặc cản trở Cảnh sát cơ động thi hành công vụ.

3. Giả danh Cảnh sát cơ động.

4. Sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận của Cảnh sát cơ động.

5. Lạm dụng, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

6. Hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến Cảnh sát cơ động.

Trên đây là nội dung hỗ trợ đối với thắc mắc của bạn về các hành vi bị nghiêm cấm đối với cảnh sát cơ động. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013.

Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào