Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư
Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2014 thì hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể như sau:
- Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư:
+ Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
+ Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
- Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
+ Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư 2014;
+ Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2014;
+ Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư;
+ Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;
+ Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.
- Ưu đãi đầu tư đối với các đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2014 không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.
Trên đây là nội dung tư vấn về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Đầu tư 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật