Những yêu cầu đối với sĩ quan kiểm tra nhà nước cảng biển
Khi xuống tàu biển kiểm tra, Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển phải tuân thủ những quy định tại Phụ lục 01 Thông tư 07/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra tàu biển, cụ thể như sau:
1. Không được can thiệp vào việc cá nhân và nơi nghỉ của thuyền viên.
2. Tuân thủ các quy định về vệ sinh riêng của tàu biển.
3. Không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc quốc tịch của thuyền viên.
4. Tôn trọng quyền của thuyền trưởng và những người giúp việc của thuyền trưởng.
5. Lịch sự, nhất quán, chuyên nghiệp khi làm việc.
6. Không đe dọa, độc đoán hay sử dụng ngôn ngữ gây thù oán.
7. Tuân thủ yêu cầu về an toàn lao động của tàu và của cơ quan có thẩm quyền.
8. Tuân thủ yêu cầu an ninh của tàu biển và được người có trách nhiệm dẫn đi xung quanh tàu biển.
9. Xuất trình Thẻ cho thuyền trưởng hoặc đại diện của chủ tàu lúc bắt đầu kiểm tra.
10. Trình bày lý do kiểm tra. Trường hợp việc kiểm tra theo thông tin được cung cấp thì không được tiết lộ nguồn cung cấp thông tin.
11. Áp dụng quy trình kiểm tra theo các công ước và quy định của pháp luật Việt Nam một cách thống nhất, chuyên nghiệp và giải thích rõ ràng khi cần thiết.
12. Không được gây khó khăn cho thuyền viên như việc hỏi những thứ ngược với quy định của công ước, quy định pháp luật.
13. Yêu cầu thuyền viên mô tả chức năng của trang thiết bị và hoạt động của trang thiết bị, không nên tự tiến hành việc thử.
14. Nên tham khảo tư vấn khi không chắc chắn về một yêu cầu hay phát hiện của mình (ví dụ: tham vấn đồng nghiệp, tài liệu, chính quyền tàu mang cờ, tổ chức được công nhận).
15. Xác định vị trí an toàn của cảng và của tàu để thực hiện vận hành cần thiết.
16. Trong biên bản kiểm tra diễn đạt rõ ràng các khiếm khuyết phát hiện trong kiểm tra và biện pháp khắc phục các khiếm khuyết đó.
17. Cấp Biên bản kiểm tra cho thuyền trưởng trước khi rời tàu.
18. Xử lý các bất đồng về những phát hiện trong quá trình kiểm tra một cách bình tĩnh và kiên nhẫn.
19. Hướng dẫn thuyền trưởng quy trình khiếu nại nếu các bất đồng không được xử lý.
20. Hướng dẫn thuyền trưởng quyền được khiếu nại trong trường hợp lưu giữ tàu biển.
21. Không được có các lợi ích cá nhân đối với cảng hay tàu biển kiểm tra; không được làm thuê hoặc thực hiện các công việc của tổ chức được ủy quyền.
22. Được quyền quyết định dựa trên các khiếm khuyết phát hiện được.
23. Kiên quyết từ chối nhận hối lộ và báo cáo ngay các trường hợp hối lộ về Cảng vụ hàng hải.
24. Không được sử dụng quyền hạn của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân.
25. Thường xuyên học hỏi nâng cao trình độ, cập nhật các hướng dẫn về kiểm tra tàu biển của Tokyo MOU trong Sổ tay kiểm tra nhà nước cảng biển.
26. Các trang thiết bị bị hỏng và đồ phụ tùng dự trữ hay thay thế có thể không có ngay được, do đó Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển phải cân nhắc không để tàu biển bị trì hoãn nếu có phương án thay thế an toàn.
27. Việc lưu giữ tàu biển sẽ phát sinh nhiều vấn đề, do đó Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển nên phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan. Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển nên phối hợp với đại diện của chính quyền tàu biển mang cờ hoặc tổ chức được công nhận cấp các Giấy chứng nhận. Việc này không hạn chế quyền quyết định của Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển và sự tham gia của các bên khác để bảo đảm tàu biển được an toàn hơn, tránh được sự khiếu nại liên quan đến lưu giữ tàu biển và hạn chế việc chậm trễ không cần thiết.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những yêu cầu khi Sỹ quan thực hiện việc kiểm tra nhà nước cảng biển. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 07/2018/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật