Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra

Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hoàng Hải hiện đang sống và làm việc tại Long An. Tôi hiện đang tìm hiểu về việc xử lý kỷ luật trong ngành kiểm sát nhân dân. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập. 

Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được quy định tại Điều 11 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016, cụ thể: 

1. Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cố ý làm trái quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;

b) Cố ý thanh tra, kiểm tra vượt quá phạm vi, đối tượng, nội dung ghi trong quyết định mà không được người có thẩm quyền cho phép;

c) Lợi dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, kiểm tra;

d) Cố ý trì hoãn cung cấp văn bản, tài liệu, chứng cứ, số liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc đối phó với đoàn thanh tra, kiểm tra dưới mọi hình thức;

đ) Phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cần xử lý nhưng cố ý không chỉ đạo, quyết định hoặc không kiến nghị xử lý;

e) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với kết luận hoặc kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc của người có thẩm quyền;

g) Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về công tác thanh tra, kiểm tra.

2. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:

a) Lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, áp đặt trái quy định vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra;

b) Che giấu, chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, sửa chữa, thay đổi, làm sai lệch hồ sơ liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

c) Cố ý tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu về kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra hoặc về nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra khi chưa được người có thẩm quyền cho phép;

d) Cố ý báo cáo sai sự thật, kết luận, quyết định hoặc cố ý tham mưu kết luận, quyết định xử lý trái pháp luật để bao che cho người có hành vi vi phạm;

đ) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:

a) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra;

b) Sử dụng dự thảo kết luận thanh tra, kiểm tra để vụ lợi;

c) Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trên đây là tư vấn về xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào