Đơn giản hóa thủ tục thẩm tra cấp GCN đầu tư đối với dự án đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện

Đơn giản hóa thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Hữu Anh. Gần đây, tôi có nghe nói về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ trong một số lĩnh vực. Tôi đặc biệt quan tâm đến những giấy tờ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, Ban biên tập cho tôi hỏi các thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được đơn giản hóa như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Rất mong nhận được tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (huu_anh***@gmail.com)

Nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định tại Tiểu mục 6 Mục A Phần V Phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 25/NQ-CP năm 2010 như sau:

Thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện -B-BKH-110979-TT

- Quy định rõ thẩm quyền, nội dung, trách nhiệm của cơ quan quyết định, chủ trì cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan được hỏi ý kiến, trả lời ý kiến thẩm tra dự án đầu tư. Cụ thể là quy định nguyên tắc, thẩm quyền quyết định lựa chọn cơ quan được hỏi ý kiến; quy định trách nhiệm và nội dung trả lời bằng văn bản của cơ quan được hỏi ý kiến; áp dụng nguyên tắc nếu quá thời hạn quy định mà không trả lời thì coi như đồng ý và cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về sự không trả lời của mình.

- Quy định rõ thành phần hồ sơ, số bộ hồ sơ, hình thức bản sao; bổ sung quy định giá trị pháp lý ngang nhau giữa văn bản công chứng do văn phòng công chứng và công chứng nhà nước thực hiện.

- Bỏ yêu cầu nộp hợp đồng liên doanh.

- Bỏ thành phần hồ sơ “giải trình đáp ứng điều kiện gia nhập thị trường”.

- Quy định rõ hơn nội dung và hình thức Báo cáo năng lực tài chính. Lựa chọn một trong hai phương án: (1) mẫu hóa biểu mẫu báo cáo khả năng tài chính của các nhà đầu tư để thuận tiện cho các nhà đầu tư thực hiện báo cáo này; hoặc (2) quy định cụ thể trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp thì nộp “báo cáo tài chính của năm gần nhất đã được kiểm toán” hoặc “bảng cân đối tài sản của năm gần nhất đã được kiểm toán”; nhà đầu tư là cá nhân thì xác định rõ nội dung và hình thức giấy tờ phải nộp theo hướng cần xác định cụ thể đó là giấy gì, do cấp nào xác định, ai chịu trách nhiệm về sự xác thực của giấy tờ này để có thể thay thế báo cáo tài chính.

- Quy định rõ yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải nộp hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, điều lệ doanh nghiệp trong thành phần hồ sơ nếu có, để đảm bảo tính nhất quán của Nghị định 108/2006/NĐ-CP với Luật đầu tư.

- Quy định thời hạn hiệu lực Giấy phép đầu tư theo hướng thời hạn của dự án đầu tư được xác định theo đề nghị của nhà đầu tư, nhưng không quá 70 năm.

Trên đây là quy định về nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 25/NQ-CP năm 2010.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào