Quy trình kiểm đếm tiền tiêu hủy được thực hiện ra sao?
Ngày 25/9/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 27/2012/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền. Thông tư quy định về tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành (sau đây gọi tắt là tiền tiêu hủy) gồm: tiền giấy (cotton, polymer) và tiền kim loại.
Theo đó, quy trình kiểm đếm tiền tiêu hủy là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 14 Thông tư 27/2012/TT-NHNN. Cụ thể như sau:
1. Tổ trưởng Tổ 2 nhận tiền từ Thủ kho tiền tiêu hủy thuộc Tổ 1 và giao cho từng kiểm ngân theo phương thức giao nhận quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này.
2. Kiểm ngân sau khi nhận đủ số bó (túi) tiền theo quy định, ký nhận trên sổ giao nhận tiền nội bộ, tiến hành kiểm đếm tiền, xác định số lượng, kiểm tra chất lượng tiền, chọn tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (nếu có) theo trình tự: cắt dây buộc của bó (túi) tiền để kiểm đếm tờ (miếng); giữ giấy niêm phong của bó (túi) tiền cho đến khi đếm xong bó (túi) tiền đó. Nếu bó (túi) tiền đủ số lượng tờ (miếng) và số tiền, đúng chất lượng và loại tiền ghi trên niêm phong thì hủy ngay giấy niêm phong và thực hiện đóng bó (túi), niêm phong mới theo quy cách sau:
a) Đối với tiền giấy đóng bó như sau: dùng 1 tờ tiền để gấp gáy thếp tiền, xếp 10 thếp tiền cùng loại thành 1 bó, dùng dây sợi xe không có mối nối buộc chặt 2 vòng ngang, 1 vòng dọc bó tiền, dán niêm phong đè lên nút buộc.
Đối với tiền giấy biến dạng không thể đóng bó: đóng vào 1 túi vải đủ 1.000 tờ, dùng dây sợi xe không có mối nối khâu, buộc thắt chặt miệng túi tiền, dán tờ niêm phong sát nút buộc miệng túi tiền.
b) Đối với tiền kim loại, đóng vào túi vải đủ 1.000 miếng, dùng dây sợi xe không có mối nối khâu, buộc thắt chặt miệng túi tiền, dán tờ niêm phong sát nút buộc miệng túi tiền.
Trường hợp vận chuyển bằng ô tô chuyên dùng sang địa điểm khác để tiêu hủy, tiền giấy và tiền kim loại được đóng bao, số lượng 20 bó trong một bao (đối với tiền giấy) và 5 túi trong một bao (đối với tiền kim loại), niêm phong miệng bao theo quy cách niêm phong bao tiền.
c) Khi dán giấy niêm phong túi, bao tiền phải tách riêng cho hai đầu dây cách nhau.
Niêm phong bó (túi), bao tiền ghi đầy đủ các yếu tố ngày, tháng, năm kiểm đếm, loại tiền, số tờ (miếng), thành tiền, họ tên và chữ ký người kiểm đếm.
3. Sau khi kiểm đếm bó (túi) tiền nếu phát hiện có thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả thì báo cho Tổ trưởng, cán bộ giám sát của Hội đồng giám sát và người chứng kiến (nếu có) để kiểm tra lại (phúc tra). Khi xác định đúng sự sai sót thì kiểm ngân ghi ở mặt sau của tờ niêm phong các yếu tố: ngày, tháng, năm; kết quả kiểm đếm (thừa hay thiếu); lý do (thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả); số tờ (miếng); số tiền và ký tên, yêu cầu cán bộ giám sát của Hội đồng giám sát và người chứng kiến (nếu có) ký tên, sau đó nộp cho cán bộ theo dõi tiền thừa, thiếu để làm căn cứ lập biên bản, ký xác nhận vào sổ theo dõi tiền thừa, thiếu trong kiểm đếm.
4. Tổ 2 được Hội đồng tiêu hủy cho tạm ứng một số tiền (trong số tiền đã nhận từ kho tiền tiêu hủy) để bù vào các bó tiền thiếu do thiếu tờ, lẫn loại tiền, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông lẫn vào tiền tiêu hủy. Số tiền tạm ứng được giao nhận (theo phương thức kiểm đếm tờ, miếng), bảo quản, theo dõi, ghi chép, quyết toán theo quy định và có sự giám sát của Hội đồng giám sát. Số tiền tạm ứng còn lại được tiêu hủy vào thời gian cuối cùng khi tiêu hủy loại tiền cùng mệnh giá.
5. Cuối mỗi ngày làm việc, Tổ 2 phải lập biên bản tổng hợp kết quả kiểm đếm, trong đó xác định tổng số tiền đã kiểm đếm, số tiền gửi lại kho tiền tiêu hủy, tiền thừa, thiếu, lẫn loại, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông lẫn vào tiền tiêu hủy, tiền giả phát hiện qua kiểm đếm có xác nhận của Tổ trưởng tổ giám sát kiểm đếm (thuộc Hội đồng giám sát). Đồng thời, tổng hợp các niêm phong bó, túi tiền có thừa (thiếu), tiền giả theo từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, lập biên bản kèm bảng kê niêm phong và giấy niêm phong bó (túi) tiền thừa (thiếu). Đối với tiền giả lập biên bản riêng và xử lý theo quy định. Số tiền chưa kiểm đếm hoặc chưa giao sang cho Tổ 3 được bảo quản trong thùng (xe lưới), khóa, niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng Tổ 2, cán bộ giám sát của Hội đồng giám sát và gửi vào kho tiền tiêu hủy.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quy trình kiểm đếm tiền tiêu hủy. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 27/2012/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật