Nguyên tắc bầu cử trong Đảng
Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Có thể nói, bản Quy chế bầu cử trong Đảng lần này có nhiều nội dung mới so với bản Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây, vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa tăng cường tập trung và đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Theo đó, nguyên tắc bầu cử trong Đảng được quy định tại Điều 2 Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng. Cụ thể là:
Việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định.
Về hình thức bầu cử, Quy chế liệt kê hai hình thức được áp dụng đối với hoạt động bầu cử trong Đảng, bao gồm: bỏ phiếu kín và sử dụng thẻ đảng viên biểu quyết giơ tay. Trong đó, bỏ phiếu kín thực hiện trong các trường hợp:
- Bầu ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ); bầu Ban Chấp hành Trung ương.
- Bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ.
- Bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư.
- Bầu uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra.
- Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
- Lấy phiếu xin ý kiến về các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử.
- Giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Biểu quyết giơ tay (sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết) thực hiện trong các trường hợp:
- Bầu các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội, hội nghị (đoàn chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, chủ tịch hội nghị, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu...).
- Thông qua số lượng và danh sách bầu cử.
Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc bầu cử trong Đảng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật