Thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

Thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Pháp luật và đời sống. Hiện tại, tôi đang thực hiện chuyên đề về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự. Trong đó, tôi còn thiếu một vài thông tin mong nhận được giúp đỡ từ Quý Ban biên tập. Cho tôi hỏi, pháp luật hiện hành quy định ra sao về thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm? Nội dung này tôi có thể xem thêm thông tin tại văn bản nào? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Nhật Minh (minhvu***@gmail.com)

Trong tố tụng hình sự, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Theo đó, bản chất của Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một trình tự tố tụng đặc biệt, nhiệm vụ xét lại các bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết khách quan và chính xác.

Đối tượng được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật (chưa hoặc đang thi hành) nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trường hợp có vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án nhưng vi phạm đó chưa đến mức nghiêm trọng sẽ không được kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 375 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

1. Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.

2. Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

3. Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào