Giới hạn của việc xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào?
Giới hạn của việc xét xử vụ án hình sự được quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Có thể hiểu một cách cở bản: giới hạn xét xử là phạm vi, mức độ nhất định, mà Toà án không thể hoặc không được vượt qua trong quá trình thực hiện chức năng xét xử. Quy định giới hạn xét xử trong pháp luật tố tụng hình sự là đảm bảo tính xác định và định hướng cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, các chủ thể tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là xác định giới hạn cho Toà án trong việc thực hiện quyền hạn của mình trong quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, quy định giới hạn xét xử còn để bảo đảm bị cáo và người bào chữa chủ động chuẩn bị chứng cứ, tranh tụng với quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát.
Theo quy định này thì Tòa án không được xét xử người và những hành vi mà Viện kiểm sát không truy tố; hoặc xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nếu qua xét xử, Tòa án phát hiện còn có người khác phạm tội hoặc tội phạm khác của bị cáo chưa được truy tố thì Tòa án có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm mới và giao cho Viện kiểm sát quyết định điều tra.
Trong trường hợp Tòa án phát hiện bị cáo phạm tội danh nặng hơn thì Toà án ra quyết định điều tra bổ sung theo tội danh nặng hơn, đề nghị Viện kiểm sát thay đổi tội danh đã truy tố. Nếu Viện kiểm sát không đồng ý thay đổi tội danh và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn quyết định xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Tòa án không được xử theo tội danh nặng hơn đối với một tội phạm, nhưng Tòa án có quyền xử theo khung hình phạt nặng hơn khung hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khi khung hình phạt đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án. Nếu qua xét xử Tòa án thấy cần đổi tội danh thì Hội đồng xét xử chỉ có thể đổi tội danh nhẹ hơn hoặc thay đổi tội danh có khung hình phạt tương đương với tội phạm đã bị truy tố.
Đặc biệt, quy định này tiến bộ ở Khoản 3 của Điều luật. Theo đó, nếu Viện kiểm sát không nhất trí với quan điểm của Toà án truy tố bị cáo với tội danh nặng hơn tội danh đã truy tố thì Toà án có quyền xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Quy định này là phù hợp với nguyên tắc độc lập khi xét xử, phù hợp với chức năng thực hiện quyền tư pháp của Toà án không phải theo hướng biến Toà án thành cơ quan buộc tội, lạm quyền bởi dù có được quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì cũng phải nằm trong nhóm tội danh phù hợp với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Mặt khác, để thực hiện việc xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Toà án cần thi hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về giới hạn của việc xét xử vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật