Đối phó như thế nào với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng?
Việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng được quy định tại Điều 194 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 92/2015/NĐ-CP và Quyết định 44/2009/QĐ-TTg. Theo đó:
1. Mọi biện pháp đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng phải ưu tiên bảo đảm an toàn cho tàu bay và tính mạng con người.
2. Tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp phải được ưu tiên về điều hành bay và các trợ giúp cần thiết khác.
3. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khẩn nguy đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
4. Bộ Công an chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng tham gia thực hiện phương án khẩn nguy.
5. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm xử lý hành vi can thiệp bất hợp pháp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 190 của Luật này; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay của Bộ Quốc phòng ưu tiên trợ giúp điều hành tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp khi bay trong vùng trời Việt Nam; phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hướng dẫn tổ bay xử lý thích hợp khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay và thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp khác.
6. Trong trường hợp đặc biệt, vượt quá phạm vi thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý các vấn đề về bảo đảm an toàn cho tàu bay, tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa trong tàu bay.
7. Hãng hàng không phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc đối phó với những hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay của mình.
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc xây dựng các biện pháp đối phó với các đối tượng có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động của hãng hàng không dân dụng nhằm chủ động ngăn chặn và đối phó có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại xảy ra trên thực tế đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách, danh dự, uy tín của hãng hàng không cũng như đối với an toàn ngành hàng không, an ninh quốc gia.
Trên thực tế, những hành vi này diễn biến bất thường, phát sinh không xác định về thời gian, địa điểm và không lường trước được về mặt tính chất như: gây rối, bạo loạn, chiếm giữ nhà ga, sân bay, bắt cóc con tin, cướp tàu bay. Do vậy, xuất phát từ tính khẩn cấp, nguy cơ tác động lớn đến an ninh hàng không cho nên việc đối phó trực tiếp với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không được thực hiện theo quy định tại Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, 4 nguyên tắc được ưu tiên khi xảy ra tình huống can thiệp bất hợp pháp đối với hàng không dân dụng, gồm: Phương án đối phó tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Khi có tình huống bất lợi xảy ra đối với máy bay đang bay thì cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu là đơn vị đối phó ban đầu. Người chỉ huy cần triển khai phương án điều hành bay bị can thiệp bất hợp pháp, thực hiện các các biện pháp ưu tiên trợ giúp cho máy bay về điều hành bay đồng thời báo cáo ngay cho Hệ thống quản lý vùng trời-quản lý bay, Bộ Quốc phòng để chuẩn bị tiếp nhận chỉ huy đối phó. Người chỉ huy khẩn cấp thông báo ngay cho các Cảng hàng không Việt Nam và nước ngoài, trung tâm tìm kiếm cứu nạn liên quan chuẩn bị phương án khẩn nguy, cứu nạn.
Căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi can thiệp bất hợp pháp, lực lượng chỉ huy, lực lượng đối phó trực tiếp tại hiện trường được quyền nổ súng cảnh cáo để uy hiếp đối tượng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp; nổ súng gây thương tích để ngăn chặn khi phần tử xấu đang đột nhập vào tàu bay, sân bay và nổ súng tiêu diệt để ngăn chặn kẻ địch, phần tử xấu đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công vũ trang vào máy bay.
Trường hợp máy bay không mang quốc tịch Việt Nam, thực hiện chuyến bay bị can thiệp bất hợp pháp xin hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam khi được chỉ huy trưởng thực hiện phương án đối phó đồng ý. Nếu máy bay bị can thiệp bất hợp pháp đang dưới mặt đất thì không cho phép máy bay cất cánh.
Nhằm bảo đảm an toàn cho các chuyến bay, tại mỗi cảng hàng không, sân bay dân dụng phải thiết lập 1 Trung tâm Khẩn nguy và phải bố trí các khu vực đỗ biệt lập dành cho máy bay bị can thiệp bất hợp pháp để ưu tiên sử dụng khi có thể. Theo định kỳ hoặc bất thường, Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia sẽ tiến hành các đợt diễn tập để nâng cao kỹ năng ứng phó nhạy bén với những trường hợp bất thường tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh hàng không.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật