Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình hàng hải không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng
Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình hàng hải không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng được quy định tại Điều 13 Thông tư 14/2013/TT-BGTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải như sau:
1. Công trình, bộ phận công trình không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng là công trình, bộ phận công trình nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ biểu hiện qua các dấu hiệu như nứt, võng, lún, nghiêng... đến giá trị giới hạn theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.
2. Khi phát hiện công trình hàng hải không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng, người có trách nhiệm bảo trì có trách nhiệm thực hiện các việc sau đây:
a) Kiểm tra công trình hoặc kiểm định chất lượng công trình;
b) Quyết định thực hiện các biện pháp an toàn: hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản (nếu cần thiết) để bảo đảm an toàn và báo cáo ngay với cơ quan quản lý nhà nước sau đây:
- Cục Hàng hải Việt Nam đối với công trình hàng hải từ cấp II trở lên và công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình hàng hải còn lại trên địa bàn.
c) Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình khẩn cấp.
3. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về biểu hiện xuống cấp về chất lượng công trình hàng hải, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá đỡ bộ phận công trình hoặc công trình (nếu cần thiết);
b) Quyết định áp dụng các biện pháp an toàn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền không thực hiện các công việc nêu tại điểm a khoản này;
c) Xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật khi chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền không thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước nêu tại điểm a và điểm b khoản này.
4. Trường hợp công trình hàng hải có thể sập đổ ngay, người có trách nhiệm bảo trì phải di dời khẩn cấp toàn bộ người ra khỏi công trình này và các công trình lân cận bị ảnh hưởng, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
Cục Hàng hải Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi nhận được báo cáo về tình huống công trình có thể sập đổ ngay, phải tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời sau: ngừng sử dụng công trình, phong tỏa công trình và các biện pháp cần thiết khác theo quy định.
5. Chủ sở hữu, người sử dụng các công trình lân cận phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định tại khoản 4 Điều này khi được yêu cầu.
6. Trường hợp công trình xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Trên đây là quy định về Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình hàng hải không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 14/2013/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật