Hướng dẫn đăng ký biến động quyền sử dụng đất

Doanh nghiệp chúng tôi sử dụng 5 ha đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời hạn 50 năm Tháng này, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn sang Công ty cổ phần. Vậy quyền sử dụng đất của chúng tôi có biến động gì không?
Khi chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, doanh nghiệp được kế thừa quyền sử dụng đất đang được giao song phải đăng ký biến động quyền sử dụng với Văn phòng Đăng ký đất đai.
Theo khoản 5 Điều 33 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần: Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Như vậy công ty cổ phần mới sẽ kế thừa quyền sử dụng 5 ha đất này. Tuy nhiên công ty bạn phải tiến hành thủ tục: Đăng ký biến động quyền sử dụng đất

Thủ tục, doanh nghiệp nộp một bộ Hồ sơ tại Sở TNMT gồm:

- Đơn đề nghị đăng ký biến động (theo mẫu).

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

- Giấy chứng nhận ĐKKD bản sao công chứng.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì trích lục bản đồ địa chính (đối với nơi đã có bản đồ địa chính) hoặc trích đo địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, thời gian trích đo được tăng thêm không quá 20 ngày làm việc); lập tờ trình đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận; viết Giấy chứng nhận; dự thảo thông báo về việc cấp lại Giấy chứng nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) trình Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra, ký Giấy chứng nhận và thông báo.

Sau khi tổ chức hoàn thành nghĩa vụ theo thông báo của Sở TNMT và hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội thu lại giấy tờ pháp lý gốc có liên quan đến việc đăng ký biến động vào sổ cấp Giấy chứng nhận và giao Giấy chứng nhận cho người được cấp; thời hạn giải quyết một ngày làm việc kể từ ngày người được cấp Giấy chứng nhận nộp đủ văn bản hoặc chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính.

So sánh Công ty TNHH với Công ty cổ phần 

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là doanh nghiệp, trong đó:

1. Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm mươi;

2. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;

3. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty bị hạn chế gắt gao: Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán.

Công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phần. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ mười một thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn mười một thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

1. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

2. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;

3. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

4. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp: Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông..

Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn. Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào