Điều kiện được cấp thẻ BHYT người có công
Căn cứ Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014; Điểm d, Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính; Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người có công với cách mạng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT, bao gồm:
- Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
- Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Quân nhân, công an nhân dân, công nhân, viên chức trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường B, C, K về gia đình từ ngày 31/12/1976 trở về trước nhưng chưa được hưởng một trong các chế độ phục viên, xuất ngũ (bao gồm cả trợ cấp xuất ngũ theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ), chế độ thôi việc, chế độ bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng và chế độ hưu chí hàng tháng,…
Nếu bà Minh thuộc một trong các đối tượng theo quy định trên thì liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi quản lý người có công với cách mạng, để được hướng dẫn bổ sung thủ tục cấp thẻ BHYT theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật