Khi nào phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu?
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 39/2015/TT-BTC thì phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu khi:
a) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phù hợp với bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thỏa thuận và thanh toán phí bản quyền, phí giấy phép, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a.1) Hàng hóa nhập khẩu được bán lại nguyên trạng tại thị trường Việt Nam hoặc được gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều này;
a.2) Hàng hóa nhập khẩu có gắn nhãn hiệu hàng hóa khi bán tại thị trường Việt Nam.
b) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác thể hiện trên hợp đồng mua bán, hợp đồng cấp phép hoặc các thỏa thuận khác về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
b.1) Sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu;
b.2) Hàng hóa nhập khẩu mang sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc các quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác;
b.3) Hàng hóa nhập khẩu là máy móc hoặc thiết bị được chế tạo hoặc sản xuất để ứng dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác.
Ví dụ về phí bản quyền, phí giấy phép thỏa mãn điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” nêu tại Phụ lục I Thông tư này.
5. Gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu bao gồm:
a) Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh hoặc rã đông, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự);
b) Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần;
c) Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; các công việc đơn giản như xay, xát, nghiền, cắt, xé, uốn cong, cuộn, bóc vỏ;
d) Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự;
đ) Việc trộn đơn giản hàng hóa nhập khẩu với các thành phần khác bao gồm cả việc pha loãng với nước hoặc các chất khác, nhưng không làm thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm;
g) Việc lắp, ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;
Lắp ráp đơn giản là việc lắp ráp các chi tiết, linh kiện, bộ phận lại với nhau bằng các dụng cụ lắp ráp (vít, bulông, đai ốc, êcu), hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp. Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp, các bộ phận cấu thành không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện.
h) Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ điểm a đến điểm g khoản này;
i) Giết, mổ động vật nhưng không qua chế biến.
Phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp tại Khoản 4 Điều 14 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật