Quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào?

Quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang làm trong lĩnh vực xây dựng. Tôi có một thắc mắc mong được Ban biên tập tư vấn. Quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Ngọc Trúc (truc****@gmail.com)

Quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình như sau:

Việc quản lý thực hiện hợp đồng thi công thực hiện theo Điều 7 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:

1. Nội dung chủ yếu của các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu và các ý kiến phản hồi của các bên bao gồm: tên hợp đồng, thời gian kiến nghị (ngày, tháng, năm), thời hạn yêu cầu trả lời (ngày, tháng, năm), tên đơn vị yêu cầu, tên đơn vị trả lời, nội dung yêu cầu, danh Mục tài liệu kèm theo yêu cầu; (nếu có), chi phí thay đổi kèm theo (nếu có) và các nội dung khác, ký tên (đóng dấu nếu cần).

2. Quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng:

Khi ký kết hợp đồng thi công các bên thống nhất tiến độ thực hiện hợp đồng, thời Điểm báo cáo, bàn giao công việc, hạng Mục, công trình (các giai đoạn phân chia phải phù hợp với tiến độ trong hồ sơ dự thầu).

3. Quản lý về chất lượng:

Các công việc, hạng Mục, công trình bàn giao phải đảm bảo chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bên nhận thầu phải có biện pháp quản lý chất lượng do mình thực hiện và chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện (nếu có).

4. Quản lý công tác thi công xây dựng công trình:

Việc quản lý công tác thi công xây dựng công trình của hợp đồng phải phù hợp với các quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Quản lý khối lượng và giá hợp đồng:

Các bên có trách nhiệm quản lý khối lượng công việc thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết và các tài liệu kèm theo hợp đồng. Việc Điều chỉnh khối lượng công việc của hợp đồng thi công thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư này.

6. Quản lý an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:

a) An toàn lao động:

- Đảm bảo có hàng rào, chiếu sáng, bảo vệ và trông nom công trình cho tới khi hoàn thành và bàn giao;

- Bên nhận thầu phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các thiết bị bảo vệ, dàn giáo, sàn công tác, kích nâng và thiết bị đi lại, nâng hạ, chiếu sáng và bảo vệ, tiêu chuẩn thay thế các thiết bị này.

b) Phòng chống cháy nổ:

- Các bên tham gia hợp đồng thi công phải tuân thủ các quy định của nhà nước về phòng chống cháy nổ;

- Lắp đặt và duy trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy để có thể kiểm soát, cảnh báo hoặc dự đoán một cách hợp lý, tránh không để xảy ra các thiệt hại về người và tài sản do cháy;

7. Quản lý Điều chỉnh hợp đồng và các nội dung khác của hợp đồng:

Thực hiện đầy đủ các quy định nêu tại Điều 7 Thông tư này, các Điểm a, b, c, d, đ của Điều này và các nội dung đã được thống nhất giữa các bên phù hợp với quy định pháp luật đầu tư xây dựng công trình áp dụng cho hợp đồng đã được ký kết giữa các bên.

Trên đây là quy định về Quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình. Để hiểu rõ hơn bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 09/2016/TT-BXD .

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào