Quyền bình đẳng về học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái
Tại Điều 14 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định: Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Trong tình huống này, mặc dù cháu Tâm là con gái nhỏ, mới học lớp 4 còn cháu Đức, con trai lớn đã học lớp 8 nhưng khi gia đình gặp khó khăn, vợ chồng anh Hưởng đã quyết định cho cháu Tâm nghỉ học. Do đó, để thuyết phục được cha mẹ cháu Tâm cho cháu đi học trở lại, cô giáo chủ nhiệm của Tâm cần phân tích thiệt hơn trong việc thực hiện trách nhiệm làm cha, làm mẹ chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cái dựa trên các căn cứ pháp lý sau đây:
- Về quyền học tập của trẻ em
Quyền học tập là một quyền cơ bản của trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền học tập của trẻ em. Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 quy định, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
Điều 16 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định, trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí. Điều này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cơ hội và quyền học tập của mọi trẻ em, không phân biệt trẻ em gái hay trẻ em trai.
Trong trường hợp này, cháu Tâm đang học lớp 4, cần được tạo điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Mặt khác, cháu Tâm lại học giỏi và ham học. Do đó, việc cha mẹ cho cháu nghỉ học để phụ giúp việc gia đình là hành vi cản trở quyền học tập của trẻ em, là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
- Trách nhiệm của gia đình trong việc đối xử bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái
Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Đồng thời Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con. Cần thấy rằng, việc cha mẹ cháu Tâm quyết định cho cháu nghỉ học chính là hệ quả sâu xa từ định kiến giới, xuất phát từ quan niệm cố hữu về vị trí thứ yếu của con gái trong gia đình và xã hội. Việc để cháu Tâm phải nghỉ học là làm mất đi cơ hội phát triển toàn diện của cháu, do đó, hành vi này là sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong việc hưởng thụ sự chăm sóc của gia đình.
Dựa trên những căn cứ pháp lý nói trên, cô giáo của cháu Tâm cần phân tích thấu đáo để cha mẹ cháu nhận thức được vấn đề, trên cơ sở đó thuyết phục cha mẹ cháu khắc phục khó khăn để tạo điều kiện bảo đảm cơ hội và quyền học tập của cháu. Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoàn cảnh gia đình cháu Tâm, cô giáo của cháu Tâm có thể tìm hiểu, vận dụng các chính sách khuyến học với trẻ em nghèo đề nghị cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ cháu Tâm đến trường, qua đó, để gia đình cháu Tâm thấy được sự quan tâm của Nhà nước trong giáo dục phổ cập.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền bình đẳng về học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bình đẳng giới 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật