Làm sao đòi nợ công ty đã giải thể

Đầu năm 2009, công ty tôi ký hợp đồng bán hàng cho 1 công ty khác. Trong hợp đồng có điều khoản không bán nợ, ngoại trừ đối tác có bảo lãnh thư của ngân hàng. Nhưng vì chỗ quen biết nên công ty chúng tôi đã bán nợ hàng hóa khi đối tác chưa có bảo lãnh thư. Các năm sau, chúng tôi đều ký hợp đồng mới với các điều khoản giống như trước. Các toa hàng của những năm này đối tác chuyển tiền đầy đủ. Công ty tôi đã trừ vào nợ trước mà không thông báo, xem như những toa hàng sau đối tác thiếu nợ. Năm 2010, đối tác làm bảo lãnh thư mua nợ hàng. Cuối năm 2011, đối tác xác nhận nợ với công ty tôi nhưng không trả được nợ. Chúng tôi yêu cầu ngân hàng thanh toán thì khi đối chứng giữa hóa đơn bán hàng và lệnh cho thanh toán trong thời gian bảo lãnh thư đều khớp nhau nên ngân hàng từ chối nghĩa vụ thanh toán. Chúng tôi khởi kiện công ty đối tác nhưng công ty này đã giải thể. Xin hỏi chúng tôi phải làm sao để thu hồi được nợ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau: ''Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.''

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi doanh nghiệp đảm bảo đã thanh toán hết tất cả khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Bạn nên tới Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi công ty bạn có trụ sở để hỏi rõ doanh nghiệp đối tác đã giải thể hay chưa? Nếu chưa giải thể thì công ty bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đối tác nơi có trụ sở để giải quyết vấn đề nợ tiền.

Nếu trên thực tế công ty đối tác đã giải thể, như vậy là công ty đối tác đã có hành vi cố tình không kê khai các khoản nợ chưa thanh toán khi làm hồ sơ giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, hồ sơ giải thể không đảm bảo tính trung thực và tính chính xác. Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

"...

2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh."

Trong trường hợp này, những người quản lý, đứng đầu doanh nghiệp đối tác phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ theo quy định tại Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2005, như sau:

''1. Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.''

Để đảm bảo quyền lợi cho công ty bạn, công ty bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đứng đầu, lãnh đạo công ty đối tác sinh sống, cư trú hoặc làm việc để yêu cầu bồi thường.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đòi nợ công ty đã giải thể. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Doanh nghiệp năm 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào