Tiêu hủy tài sản mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước nhưng tài sản không còn khả năng sử dụng
Trường hợp bạn hỏi đối với tài sản bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện theo các trình tự thủ tục sau quy định tại Điều 124 Luật Thi hành án dân sự: Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao vật chứng, tài sản tạm giữ đó cho cơ quan tài chính cùng cấp. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được lập biên bản, mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ, có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, nếu có.
Việc xử lý tài sản được thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và Điều 11 Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định trình tự quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận bàn giao tài sản từ cơ quan thi hành án (đối với tài sản có quyết định thi hành án) đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung chủ yếu của phương án xử lý tài sản bao gồm: Chủng loại, số lượng, hiện trạng tài sản và hình thức xử lý đối với từng loại tài sản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản về phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt phương án xử lý tài sản.
Trường hợp tài sản không còn khả năng sử dụng hoặc tài sản thuộc danh mục cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông theo quy định của pháp luật thì được tiêu hủy, bao gồm: Văn hoá phẩm độc hại, ma túy, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy.
Do đó, việc tiêu hủy tài sản trong trường hợp này chỉ được thực hiện khi đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản đã lập phương án xử lý tài sản và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thư Viện Pháp Luật