Không kê biên tài sản phục vụ quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng

Tại khoản 1 Điều 87 Luật THADS có quy định về tài sản không được kê biên, trong đó có tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, quốc phòng an ninh (ví dụ như: Viettel, các tổng tông ty xây dựng của Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp thuộc UBND…). Vậy căn cứ vào đâu để Chấp hành viên biết tài sản nào của doanh nghiệp dùng để phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng không được kê biên? Ngoài ra, Điều 87 của Luật THADS thuộc mục 6 về “Cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là vật”. Như vậy, điều này có được áp dụng cho trường hợp tài sản là tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản không?

1. Điều 87 Luật Thi hành án dân sự quy định tài sản không được kê biên gồm: Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân: Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình; đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Việc xác định tài sản nào phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng không được kê biên tùy từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nhiều yếu tố, nhưng có thể xác định đó là tài sản như: Đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sông, hồ, đê, đập, thủy lợi, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe và các công trình công cộng khác. Tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Nhà, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh; tàu, thuyền, ôtô, xe máy thuộc danh mục tài sản đặc biệt hoặc tài sản chuyên dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cấp giấy đăng ký phương tiện; nhà, đất thuộc tài sản Nhà nước hoặc của Đảng, dùng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

2. Mục 6 Luật Thi hành án dân sự quy định về “Cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là vật”. Tài sản là vật theo quy định này là tài sản cụ thể như: nhà ở, xe máy, ô tô. Đối với các tài sản khác thì áp dụng quy định tại mục khác để cưỡng chế thi hành án, như: tài sản là tiền áp dụng mục 3, tài sản là giấy tờ có giá áp dụng mục 4, tài sản là quyền sở hữu trí tuệ áp dụng mục 5, tài sản là quyền sử dụng đất áp dụng mục 8 của Luật Thi hành án dân sự.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào