Xử lý hành vi thường xuyên đánh đập vợ, đuổi ra khỏi nhà
Điều 71 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định:
“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
…Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”
Vợ ông T là công dân Việt Nam, do đó quyền và lợi ích hợp pháp của bà T sẽ được Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích của bà T đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Ông T thường xuyên đánh đập vợ, đuổi ra khỏi nhà. Hành vi của ông T đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà T, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tùy theo tính chất hành vi, mức độ thiệt hại, ông T có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
1. Trường hợp hành vi của ông T chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự:
Ông T thực hiện hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 110/2009/NĐ-CP, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, ông T vẫn là đối tượng có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 110/2009/NĐ-CP. Tùy từng trường hợp cụ thể, ông T có thể bị xử phạt theo các quy định sau:
- Điều 9. Hành vi đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại sức khỏe thành viên gia đình;
- Điều10. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình;
- Điều 11. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình;
- Điều 12. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
- Điều 17. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ...
Về thẩm quyền xử phạt của Công an xã trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, Khoản 3 Điều 27 Nghị định số110/2009/NĐ-CP quy định Trưởng Công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính sau:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;
- Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.
2. Trường hợp hành vi của ông T đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, ông T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104) hoặc Tội hành hạ người khác (Điều 110) hoặc Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151)...
Khi phát hiện hành vi của ông T có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định tội phạm và xử lý ông T theo quy định./.
Thư Viện Pháp Luật