Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định như thế nào về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý?
Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:
“Điều 42. Hành vi vi phạm quy định về người được trợ giúp pháp lý
1. Cảnh cáo đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các giấy tờ giả để đủ điều kiện thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để đủ điều kiện thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
Điều 43. Hành vi vi phạm quy định về người thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Cảnh cáo đối với hành vi không nộp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã được cấp trong trường hợp phải nộp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ để đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng hoặc cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để trục lợi;
b) Sử dụng thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc lợi dụng tư cách người thực hiện trợ giúp pháp lý để trục lợi;
c) Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý;
đ) Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý mà không có căn cứ;
e) Không từ chối hoặc tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật trợ giúp pháp lý.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tiết lộ thông tin, bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý;
c) Xúi giục người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xúi giục người được trợ giúp pháp lý khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật;
d) Sử dụng các giấy tờ giả để đủ điều kiện làm người thực hiện trợ giúp pháp lý; sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý giả;
đ) Thực hiện trợ giúp pháp lý mà không đủ điều kiện của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để đủ điều kiện làm người thực hiện trợ giúp pháp lý; làm giả thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3, các điểm a, b và c Khoản 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 4, Khoản 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và d Khoản 3, Điểm d Khoản 4, Khoản 5 Điều này.
Điều 44. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện việc báo cáo, thống kê; không lập, quản lý hoặc sử dụng không đúng các loại sổ sách, biểu mẫu;
b) Không thực hiện việc thông báo theo quy định khi chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi nội dung đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;
b) Từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng quy định của pháp luật;
c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng nội dung đăng ký;
d) Thực hiện trợ giúp pháp lý khi giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã bị thu hồi hoặc hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý đã bị chấm dứt;
đ) Thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;
e) Không chuyển hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý đang thực hiện đến trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý trong trường hợp chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thành lập tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trái pháp luật;
b) Sử dụng giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý giả.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3, Khoản 4 Điều này.”
Thư Viện Pháp Luật