Cho mượn xe máy nhưng không đòi lại được
Theo những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi có thể đưa ra hai trường hợp như sau:
1.Trường hợp thứ nhất: Việc người bạn mượn xe của chồng bạn hoàn toàn độc lập so với việc chồng bạn vay tiền của người ấy, hai việc này không có liên quan gì tới nhau. Trong trường hợp này, giữa chồng bạn và người bạn đó đã giao kết hai hợp đồng độc lập là Hợp đồng vay tài sản và Hợp đồng mượn tài sản; theo đó mỗi bên có các quyền, nghĩa vụ cụ thể theo quy định của pháp luật và sự thỏa thuận của các bên đối với từng hợp đồng.
+ Đối với Hợp đồng vay tiền: Chồng bạn có nghĩa vụ trả nợ cho người bạn khi đến hạn hoặc trả nợ trước hạn hoặc khi được người bạn đó yêu cầu trả trước hạn (việc trả trước hạn phải phù hợp với quy định của pháp luật). Ngược lại, người bạn đó không có quyền yêu cầu chồng bạn trả nợ trước hạn trừ trường hợp được bên vay đồng ý hoặc trường hợp quy định tại Điều 477 Bộ luật Dân sự (Ðối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thỏa thuận khác; Ðối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý).
+ Đối với Hợp đồng mượn tài sản: Theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự thì Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Khi mượn xe của chồng bạn, người bạn có nghĩa vụ quy định tại Điều 514 Bộ luật Dân sự như sau:
- Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;
- Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
- Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
- Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.
Và chồng bạn sẽ có các quyền tương ứng như sau (theo Điều 517 Bộ luật Dân sự):
- Ðòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý;
- Ðòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra.
Vậy, khi đưa ra yêu cầu đòi lại xe đối với người bạn của mình, vợ chồng bạn có thể xác định những vấn đề như: Các bên có thỏa thuận về thời hạn mượn xe không? Mượn xe với mục đích gì? Đến nay đã hết thời hạn mượn xe chưa? Người bạn đó đã đạt được mục đích ban đầu khi mượn xe hay không?. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 517 Bộ luật Dân sự nêu trên, nếu vợ chồng bạn có nhu cầu sử dụng chiếc xe thì vợ chồng bạn có quyền yêu cầu người bạn trả lại chiếc xe đó. Trong trường hợp người bạn cố tình không trả lại tài sản đã mượn thì vợ chồng bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, hành vi cố tình không trả lại chiếc xe đã mượn cho vợ chồng bạn của người bạn đó còn có thế bị coi là hành vi chiếm đoạt và có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn, nếu có đầy đủ căn cứ thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự (Các hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều này là: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản).
2. Trường hợp thứ hai: Giữa chồng bạn và người bạn đã có thuận về việc: sử dụng chiếc xe máy làm tài sản cầm cố để bảo đảm cho khoản vay 10 triệu đồng của chồng bạn. Nếu hai bên có thỏa thuận này và việc thỏa thuận tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nội dung và hình thức (Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính - theo Điều 327 Bộ luật Dân sự) thì việc chồng bạn giao chiếc xe máy cho người bạn chính là thực hiện hợp đồng cầm cố tài sản chứ không phải là hợp đồng mượn tài sản. Theo quy định tại Ðiều 339 Bộ luật Dân sự thì việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
- Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Tài sản cầm cố đã được xử lý;
- Theo thỏa thuận của các bên.
Như vậy, vợ chồng bạn chỉ có quyền đòi lại chiếc xe máy (là tài sản cầm cố) khi phát sinh những trường hợp như nêu trên. Tại thời điểm hiện tại thì vợ chồng bạn có thể sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người bạn, sau khi nghĩa vụ vay chấm dứt thì việc cầm cố cũng chấm dứt và vợ chồng bạn có quyền đòi lại chiếc xe máy của mình.
Thư Viện Pháp Luật