Trách nhiệm bồi thường của chủ xe khách
Theo quy định tại Điều 527 Bộ luật dân sự : Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển. Tại Điều 528, Bộ luật dân sự quy định :Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản hoặc bằng lời nói:. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên. Như vậy khi bạn của bạn đi trên chiếc xe đã xác lập quan hệ vận chuyển hành khách giữa bạn và chủ xe.
Tại Điều 533 Bộ luật dân sự quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 609, Bộ luật dân sự quy định tính mức bồi thường, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Như vậy, bạn của bạn căn cứ vào những chí phí thực tế phát sinh theo nội dung trên để yêu cầu chủ xe bồi thường thiệt hại cho mình. Trong trường hợp, hai bên không thể thỏa thuận được thì bạn của bạn có thể khởi kiện chủ xe ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chủ xe cư trú (hoặc có trụ sở) để được giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật