Chứng nhận hợp đồng vay tiền và các thỏa thuận khác
1. Công chứng hợp đồng vay tài sản
Giữa mẹ chồng và hai vợ chồng bạn đã phát sinh Hợp đồng vay tài sản - là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hình thức của hợp đồng vay tài sản tuân thủ quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự: Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định; Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định hợp đồng vay tài sản phải được công chứng hoặc chứng thực nên gia đình bạn có thể lập hợp đồng vay tài sản bằng văn bản có chữ ký của các bên, mà không phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Do vậy, nếu bạn có nhu cầu thì có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào (Phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) để tự nguyện yêu cầu công chứng hợp đồng vay tài sản giữa mẹ chồng và hai vợ chồng bạn. Trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng vay tài sản được thực hiện theo hướng dẫn của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn.
2. Chứng nhận việc thỏa thuận của gia đình
Để được xác nhận những nội dung như bạn nêu (hàng xóm xác nhận mẹ chồng bạn đã về hưu, chồng mất sớm, không có công ăn việc làm và phải sống phụ thuộc vào vợ chồng bạn...), bạn có thể đến Văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu.
Theo đó, Thừa phát lại - người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật - sẽ lập vi bằng đề ghi nhận sự thỏa thuận của các bên theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính Phủ quy định về tổ chức, và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức, và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng:
- Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.
Thủ tục lập vi bằng:
- Việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.
- Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực.
- Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng:
- Vi bằng lập thành văn bản viết bằng tiếng Việt và có các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;
+ Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập vi bằng;
+ Người tham gia khác (nếu có);
+ Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu lập vi bằng;
+ Nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;
+ Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;
+ Chữ ký của Thừa phát lại lập vi bằng và đóng dấu văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng.
- Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.
Hiện nay, Văn phòng Thừa phát lại đang được thành lập và hoạt động trên một số địa bàn tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Bạn có thể tìm hiểu trên địa bàn mình sinh sống có Văn phòng Thừa phát lại hay không để yêu cầu lập vi bằng tại đó. Nếu tại nơi bạn sinh sống chưa có Văn phòng Thừa phát lại thì bạn có thể đến Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, thành phố khác để được lập vi bằng. Khi lập vi bằng, vợ chồng bạn, mẹ chồng và những người hàng xóm của bạn phải cùng nhau thỏa thuận các nội dung như bạn nêu trước mặt Thừa phát lại và tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Vi bằng sẽ có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật