Chia di sản thừa kế, cử người giám hộ
1. Về việc xác định tài sản chung/riêng
Để xác định ngôi nhà là tài sản riêng của dì bạn hay là tài sản chung của vợ chồng dì, bạn cần căn cứ quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình): Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản riêng của vợ, chồng (Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình): Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Ngoài việc xác định dựa theo các quy định nêu trên, bạn cũng có thể kiểm tra nguồn gốc tài sản được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để xác định xem ngôi nhà là tài sản riêng hay chung của vợ chồng.
2. Chia di sản thừa kế
Bạn cần xác định các vấn đề sau đây:
- Xác định di sản thừa kế:
Ðiều 634 Bộ luật dân sự quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, để xác định di sản của dì bạn cần phải xác định ngôi nhà là tài sản riêng của chồng bạn hay là tài sản chung vợ chồng.
+ Nếu ngôi nhà là tài sản riêng của dì: Di sản do dì bạn để lại sẽ là toàn bộ ngôi nhà đó.
+ Nếu ngôi nhà là tài sản chung vợ chồng: Di sản do dì bạn để lại là ½ giá trị ngôi nhà.
- Xác định người thừa kế:
Do dì bạn không để lại di chúc nên di sản do dì để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Theo khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định nêu trên, người thừa kế theo pháp luật của dì bạn gồm:
+ Con gái của dì (với tư cách là con của người để lại di sản.
+ Chồng của dì. Tuy nhiên, chồng của dì chỉ được coi là người thừa kế của dì nếu tại thời điểm dì bạn chết, hai người vẫn là vợ chồng. Ngược lại, nếu trước khi dì bạn chết, hai vợ chồng dì đã ly hôn thì chồng của dì không phải là người thừa kế theo pháp luật và không được hưởng di sản do dì để lại.
+ Những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có).
3. Thủ tục giám hộ
Ðiều 58 Bộ luật dân sự quy định:
“- Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.
- Người được giám hộ bao gồm:
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, mặc dù dì bạn đã chết nhưng cháu gái 10 tuổi của bạn chỉ được giám hộ khi bố của cháu (chồng của dì) thuộc một trong các trường hợp nêu trên (đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự...). Theo thông tin bạn cung cấp, chồng của dì uống rượu say, ngã xe nên bị tai biến nhưng đó chưa phải là căn cứ để cho rằng chú là người mất năng lực hành vi dân sự. Căn cứ khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”, chồng của dì chỉ được coi là người mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của tòa án.
Nếu cháu gái của bạn thuộc trường hợp người được giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của cháu được xác định theo Điều 61 Bộ luật dân sự như sau:
- Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
- Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
Trong trường hợp cháu gái bạn không có người giám hộ đương nhiên theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (theo Ðiều 63 Bộ luật dân sự. Thủ tục cử người giám hộ như sau:
- Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
- Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
Thư Viện Pháp Luật