Quyền nhận con
Kết quả xét nghiệm AND là một bằng chứng quan trọng giúp Tòa án có căn cứ xem xét, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Tòa án không thể chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm AND để cho anh nhận con. Anh cần đưa ra những căn cứ đã được pháp luật hôn nhân gia đình quy định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, nếu trường hợp anh xác định thời điểm con được sinh ra thỏa mãn quy định nêu trên thì pháp luật thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Giả sử trong trường hợp được Tòa án xác định đó là con mình, anh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ cho con. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã cho phép một số trường hợp được thay đổi, cải chính liên quan đến hộ tịch, trong đó bao gồm thay đổi họ, tên, chữ đệm đã đăng ký trong giấy khai sinh khi cá nhân có yêu cầu thay đổi với lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 27 của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong trường hợp “Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con”. Như vậy, trong trường hợp xác định được con, anh có thể áp dụng quy định này để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ cho con.
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ chứng minh người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (khoản 2 Điều 84). Do đó, nếu anh chứng minh được vợ mình không còn đủ điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng, chăm sóc con thì có quyền yêu cầu Tòa án xem xét việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nếu trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con.
Thư Viện Pháp Luật