Chế độ đối với cán bộ không đủ tuổi tái bổ nhiệm
Ngày 9/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Được tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu
Tại Điều 4 Nghị định này quy định chếđộ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như sau:
Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp. Trường hợp không thể bố trí được công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Trường hợp vị trí công tác mới không quy định mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ (không phải là chức danh lãnh đạo) hoặc có mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ thấp hơn mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng thì thực hiện bảo lưu mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ (nếu có) của vị trí công tác mới.
Hoặc được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu
Tại Điều 5 Nghị định số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu như sau:
Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp và không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác và được thực hiện các chế độ, chính sách như sau:
- Đượchưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
- Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm và cơ quan nơi cán bộ công tác trước khi nghỉ chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng tại Khoản 1 Điều này thực hiện đóng BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp mẹ ông Hứa Mạnh Sơn, sinh ngày 23/1/1962, là cán bộ chuyên trách tại UBND thị trấn, đã từng đảm nhiệm các chức vụ như: Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn; Phó Chủ tịch UBND thị trấn; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn. Năm nay, mẹ ông Sơn 53 tuổi, đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn. Mẹ ông Sơn đã tham gia đóng BHXH bắt buộc từ 20/1/2000, đến nay có thời gian đóng BHXH bắt buộc 15 năm 4 tháng. Đến nhiệm kỳ tới bà không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.
Căn cứ quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, trường hợp mẹ ông Sơn còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu nên không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Nếu mẹ ông Sơn không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp. Trường hợp không thể bố trí được công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
Cả hai trường hợp, trong thời gian được bố trí công tác phù hợp cho đến tuổi nghỉ hưu, hay trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, mẹ ông Sơn sẽ được cơ quan nơi công tác thực hiện đóng BHXH, BHYT bắt buộc. Như vậy, đến thời điểm đủ 55 tuổi vào ngày 23/1/2017, mẹ ông Sơn sẽ có thời gian đóng BHXH là 17 năm, chưa đủ điều kiện 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Căn cứ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016), mẹ ông Sơn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện 3 năm nữa, cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp mai táng.
Mức đóng và phương thức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 87 Luật BHXH năm 2014 như sau:
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: Hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng.
Như vậy, mẹ ông Sơn có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng để cho đủ 20 năm đóng BHXH.
Thư Viện Pháp Luật