Các trường hợp phạm tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp
1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 252
Theo quy định tại khoản 1 Điều 252 thì người phạm tội bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể áo dụng hình phạt dưới một năm; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252
a) Có tổ chức
Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hiện, người xúi giục, người giúp sức.
b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người
Trường hợp phạm tội này là người phạm tội đã dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người chưa thành niên phạm pháp. Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: nếu người phạm tội dụ dỗ một người, ép buộc một người thì cần xác định là “ dụ dỗ và ép buộc nhiều người” tương tự như vậy, có thể có trường hợp “ dụ dỗ, chứa chấp nhiều người”, “ép buộc, lôi kéo nhiều người”,…
c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như đối vói một số trường hợp khác, người chưa thành niên bị dụ dỗ, ép buộc, phạm pháp được chia làm độ tuổi: từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu người chưa thành niên bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật; nếu có 2 trường hợp trở lên bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp đều chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 của điều luật; nếu có một người dưới 13 tuổi và một người đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật.
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như một số trường hợp phạm tộ khác nhưng đây là phạm tội quy định tại các tội phạm khác nhưng đây là trường hợp cá biệt, nhà làm luật quy định ba tình tiết là yếu tố định khung hình phạt có tính chất mức độ nguy hiểm khác nhau cùng một khung hình phạt, xét về kỹ thuật lập pháp thì chưa khoa học, lẽ ra cần quy định hây hậu quả nghiêm trọng là đủ vì nếu người phạm tội có gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cũng chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Tuy nhiên, nhà làm luật quy định ba tình tiết khác nhau trong cùng một khung hình phạt thì khi áp dụng hình phạt, Tòa án cần phải cân nhắc và cá thể hóa đối với từng trường hợp cụ thể.
Do chưa hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội gây ra.
đ) Tái phạm nguy hiểm
Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252 BLHS hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp.
Như vậy, người phạm tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 252 thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật rồi. Tuy nhiên, nếu người phạm tội vừa phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, vừa thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn trường hợp không phải là tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiêu tình tiết giảm nhẹ, không có tính tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể áp dụng hình phạt dưới ba năm tù nhưng không được dưới một năm tù. Nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười hai năm tù.
3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Thư Viện Pháp Luật