Đánh người vì tưởng nhầm là trộm cắp, có phạm tội không?

Vào khoảng 20h ngày 20-10, Phạm Công Minh (27 tuổi, trú tại xóm 19, xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) sau khi dự sinh nhật tại nhà em gái đã bị mất chiếc điện thoại iPhone màu trắng. Tại buổi sinh nhật còn có chị Lê Thị Phương Mai đi cùng với một người tên Vương (trú tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc). Tiếp đó vào khoảng 20h ngày 22-10, anh Minh tiếp tục cùng người em rể tên Nghĩa đi dự sinh nhật tại nhà anh Lê Văn An (trú tại xã 19, xã Nghi Trung) Tại đây, Nghĩa đưa ra một chiếc điện thoại iPhone màu trắng và hỏi Minh có phải là điện thoại bị mất không? Minh xác nhận đúng là điện thoại của mình. Tuy nhiên, chị Lê Thị Phương Mai cũng có mặt tại thời điểm đó lại nói rằng chiếc điện thoại này là của người yêu là anh Vương mua tặng mình. Để làm rõ, Minh gọi điện cho Vương hỏi nguồn gốc điện thoại và được Vương khẳng định là đã mua điện thoại trên tặng cho Mai. Ngay sau đó, Minh hẹn gặp Vương tại địa bàn xóm 7, xã Nghi Xá để làm rõ về chiếc điện thoại của mình. Khi đi, Minh rủ thêm anh Nguyễn Văn Ngọc (27 tuổi), Lê Văn An (28 tuổi), Phạm Công Ngọc (20 tuổi), Đặng Văn Tân (đều trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc) đi cùng. Khi đến đây, nhóm bạn của Minh hỏi người dân nhưng được cho biết là không có ai tên Vương ở đây. Minh liền gọi cho Vương và hai người hẹn gặp nhau tại xóm 8, xã Nghi Xá. Khi Minh gặp Vương thì cả hai bên xảy ra xô xát, Vương bỏ chạy, Minh đuổi theo. Trong lúc bỏ chạy, Vương tri hô có trộm. Nghe tiếng hô hoán, người dân mang theo gậy gộc, dao chạy ra đường đuổi bắt nhóm anh Minh. Trong lúc bỏ chạy, chỉ có duy nhất Đặng Văn Tân may mắn chạy thoát, 4 người còn lại bị đánh trọng thương. Không chỉ vây đánh, người dân còn đốt trụi 2 chiếc xe máy của các nạn nhân rồi đem treo lên cột điện cạnh bãi rác trong xóm. Nhận tin báo, lãnh đạo CAH Nghi Lộc đã xuống hiện trường thuyết phục người dân để đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện 115 Nghệ An. Trong đó, nạn nhân Ngọc bị thương khá nặng phải nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu, những bệnh nhân còn lại đang điều trị khoa chấn thương. Vấn đề cần trao đổi là Vương có phạm tội hay không. Nếu có phạm tội thì phạm tội gì và sẽ bị xử lý như thế nào? Hành vi của những người dân tham gia đánh 4 thanh niên vì tưởng nhầm là trộm có bị xử lý theo pháp luật hay không, nếu bị xử lý thì sẽ xử lý ra sao?.

 

Trong trường hợp này, chúng ta nên tạm thời gác lại việc “làm rõ về chiếc điện thoại” là của Minh hay Vương. Mà ta chỉ cần quan tâm đến việc đâu là nguyên nhân dẫn đến việc xô xát giữa Minh và Vương, khiến Vương bỏ chạy, Minh đuổi theo. Và hành vi của Vương xuất phát từ khi Vương “tri hô có trộm”. Mục đích của Vương khi tri hô như thế chính là nhằm tác động vào Minh và những người đi cùng Minh. 

Về mặt nhận thức Vương cũng nhận biết được rằng lời tri hô của mình sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nhóm của Minh. Chính vì lời tri hô này nên người dân trong làng mới tưởng là Minh và những người đi cùng là trộm. Từ đó mới có sự việc người dân mang theo gậy gộc chạy ra đường đuổi bắt nhóm của Minh. Họ không chỉ vây đánh mà còn đốt trụi 02 chiếc xe máy của nạn nhân và treo lên cột điện cạnh bãi rác trong xóm. 

Như vậy, những người gây nên thiệt hại về sức khỏe và tài sản đối với nhóm của Minh phải chịu trách nhiệm về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” và “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo qui định tại Điều 104 và Điều 143 Bộ luật Hình sự và thuộc trường hợp vụ án có đồng phạm theo qui định tại Điều 53 Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc và mức độ thương tích và thiệt hại về tài sản đối với nhóm của Minh để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vương và những người dân làng.

Để hiểu rõ hơn về hành vi đồng phạm và việc chịu trách nhiệm hình sự của Vương và những người dân trong việc cố gây thương tích, hủy hoại tài sản của nhóm Minh luật sư xin được đưa ra mấy ý kiến như sau:
Vai trò của những người dân: Trước hết, ta có thể dễ dàng nhận thấy hành vi của những người dân khi tham gia đánh 4 thành niên trong nhóm của Minh vì tưởng nhầm là trộm. 

Việc những người dân mang gậy gộc chạy đuổi bắt nhóm của Minh, vây đánh và đốt trụi 2 chiếc xe máy đã đủ yếu tố để cấu thành tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” và “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo qui định tại Điều 104 và Điều 143 Bộ luật Hình sự. Vai trò của những người dân trong trường hợp này là Người thực hành. Vì họ là những người trực tiếp thực hiện hành vi gây thương tích và hủy hoại tài sản của người khác. Họ được coi là người có vai trò trung tâm trong vụ án. 

Vai trò của Vương: Hành vi của Vương có vai trò như thế nào đến các hành động tiếp theo của dân làng đối với nhóm của Minh? Thông qua hành động tri hô có trộm Vương đã bằng lời kêu gọi, hô hào của mình để lừa phỉnh, kích động người dân, tác động đến tư tưởng và ý chí của họ, khiến họ thực hiện việc đuổi bắt và đánh nhóm của Minh. 

Về lý trí, Vương nhận thức được hành vi tri hô của mình là không đúng và sẽ có ảnh hưởng xấu đến nhóm của Minh. Vương nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những hành vi sẽ xảy ra sau lời tri hô của mình. Về ý chí, Vương mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xấu xảy ra. Hay nói cách khác, vai trò của Vương trong vụ án cố ý gây thương tích này chính là người xúi giục.

Mối quan hệ giữa Vương và những người dân trong việc gây nên thương tích cho nhóm của Minh được thể hiện như sau: Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì sự chung hành động của Vương và người dân trong việc cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản tưởng chừng như không có nhưng khi phân tích kỹ ta có thể nhận thấy tội phạm trong trường hợp này được thực hiện do sự nỗ lực chung của Vương và những người dân, hành động của Vương là điều kiện cần thiết cho hàng loạt các hành động sau này của người dân, là khâu khởi đầu trong sự hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm. Hay nói cách khác, giữa hành vi tri hô của Vương với hàng loạt các hành động sau này của người dân có mối quan hệ nhân quả với nhau, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của mỗi người đồng phạm với hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Vương và những người dân không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý của những người đồng phạm khác. Sự cố ý này thể hiện ở lý trí và ý chí. Về lý trí, mỗi người đồng phạm không chỉ nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội mà còn nhận thức được cùng hành động với mình còn có những người đồng phạm khác và hành vi của những người này cũng gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ thấy được hậu quả do hành vi của mình gây ra mà còn thấy trước được hậu quả đó là kết quả của tất cả hành vi của những người đồng phạm khác. Về ý chí, những người đồng phạm đều cùng mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc cùng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Việc xử lý những tội phạm có đồng phạm: Như phân tích ở trên, Vương tham gia trong vụ án có đồng phạm này với vai trò là người xúi giục, còn những người dân chính là người thực hành. Họ là người trực tiếp thực hiện hành vi cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản đối với nhóm của Minh. 

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân, do vậy mỗi người đồng phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở hành vi của mình. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào