Cách thức, thủ tục và các giấy tờ cần thiết cho việc khiếu nại?
Chào bạn!
Theo quy định của pháp luật thì người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 114/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương: “Trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 59 của Bộ luật Lao động là những trường hợp do thiên tai, hoả hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không khắc phục được thì được phép trả lương chậm, nhưng không quá một tháng và phải đền bù cho người lao động như sau :
1. Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày, thì không phải đền bù.
2. Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, thì phải đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”
Nếu việc trả lương chậm trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác theo quy định trên mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không khắc phục được thì được phép trả lương chậm, nhưng không quá một tháng và phải đền bù cho người lao động.
Trong trường hợp này thì việc trả lương chậm cho người lao động của công ty bạn là bất hợp pháp và công ty phải đền bù cho người lao động.
Theo quy định tại Điều 158 BLLĐ năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 thì việc tiến hành giải quyết các tranh chấp lao động được tiến hành theo nguyên tắc sau:
“1- Thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp giữa hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp;
2- Thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật;
3- Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật;
4- Có sự tham gia của đại diện công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.”
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã liên lạc trực tiếp với Tổng Giám đốc nhiều lần mà chưa được giải quyết. Vì vậy, bạn có thể gửi đơn lên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (được thành lập trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời) hoặc Hòa giải viên lao động (do cơ quan lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để tiến hành hòa giải). Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng hòa giải cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 165a BLLĐ năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 như sau:
“1. Thời hạn hoà giải là không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải;
2. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể cử đại diện được uỷ quyền của họ tham gia phiên họp hoà giải.
Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét.
Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành có chữ ký của bên tranh chấp có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản;
3. Trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.”
Sau khi hết thời hạn giải quyết theo trình tự, thủ tục như trên, tranh chấp giữa bạn và công ty chưa được giải quyết thì bạn có thế gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng.
Theo quy định tại Điều 35 BLTTDS năm 2004, bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nơi công ty có trụ sở để giải quyết tranh chấp lao động giữa công ty và bạn.
Thư Viện Pháp Luật