Điều kiện đăng ký quyền sử dụng đất hộ gia đình

Trong sổ đỏ thửa đất của gia đình tôi có ghi đất của hộ gia đình do bố tôi là đại diện. Cuối năm 2013, sau khi bố tôi mất, anh trai tôi mang sổ đỏ đi đổi sang tên của anh ấy. Tôi tìm hiểu thì được biết, anh tôi có làm một biên bản viết tay trong gia đình, trong đó có hai người chị ký tên đồng ý đổi sang tên anh, nhưng hoàn toàn không có chữ ký của mẹ tôi và tôi. Việc anh tôi sang tên như thế có đúng không? Tôi có thể làm gì để đòi lại công bằng?

Về việc định đoạt tài sản của hộ gia đình

Theo thông tin mà bạn cung cấp, thửa đất trên của gia đình bạn được cấp cho hộ gia đình. Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Điều 108 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”.

Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”.

Như vậy, đất được cấp cho hộ gia đình thì thuộc quyền sở hữu chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

Theo đó, việc anh trai bạn làm thủ tục sang tên khi chưa được sự đồng ý của mẹ bạn và bạn là trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, bố bạn mất thì di sản thừa kế bố bạn để lại là 1 phần của bố bạn trong diện tích đất. Mẹ bạn và các thành viên hộ gia đình có quyền quyết định với các phần diện tích thuộc quyền sử dụng của mẹ và các thành viên.

Về hình thức văn bản thỏa thuận sang tên thửa đất

Mặt khác, Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh BĐS quy định tại điểm b khoản này;”

Theo đó, tất cả các văn bản về việc chuyển quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay đều không có hiệu lực. Mọi trường hợp bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực.

Về cơ quan có thẩm quyền và cách thức giải quyết

Trường hợp bạn có căn cứ cho rằng anh trai bạn đã sang tên thửa đất trái quy định, bạn có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào