Phương thức đóng BHXH, BHYT

Trung tâm em mới tách ra và mới thành lập, MĐVQHNS và TKKB, bây giờ tham gia BHXH cho đơn vị, nhưng trong đơn vị có 1 số Nhân viên mới vào, còn 1 số Nhân viên cũ từ vẫn đang tham gia BHXH thì bây giờ em phải làm thủ tục gì để khai báo tham gia BHXH cho Nhân viên mới và tiếp tục đóng BHXH cho nhân viên cũ ạ !

Tại Khoản 3 Điều 7 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (Ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) quy định về việc đóng BHXH theo địa bàn như sau:

“3. Đóng theo địa bàn

3.1. Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh.

3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội tại địa bàn nơi cấp giấy phép kinh doanh cho chi nhánh.”

1. Trường hợp Trung tâm của Bạn sau khi tách ra là một đơn vị chi nhánh độc lập được cấp Giấy phép kinh doanh ở địa bàn tỉnh nào thì có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với những lao động đã tham gia BHXH ở đơn vị cũ, nay được chuyển qua Trung tâm mới thì cần chốt sổ ở đơn vị cũ, sau đó làm thủ tục đăng ký tham gia BHXH cùng với những lao động được tuyển dụng mới tại Trung tâm, thành phần hồ sơ giải quyết đăng ký lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với đơn vị tham gia lần đầu gồm:

* Đơn vị:

- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);  

- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS);

- Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (Mục II Phụ lục 03 Quyết định số 959/QĐ-BHXH).

* Người lao động:

- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

- Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (người có công,…): Thêm giấy tờ chứng minh kèm theo bản chính để đối chiếu.

2. Trường hợp Trung tâm của Bạn sau khi tách ra không phải là một đơn vị chi nhánh độc lập, không có giấy phép kinh doanh riêng thì đóng bảo hiểm xã hội cho lao động làm việc tại Trung tâm chung với lao động làm việc tại trụ sở chính. Trường hợp này, chỉ cần làm thủ tục báo tăng lao động cho những lao động tăng mới, thành phần hồ sơ gồm:

* Đơn vị:

- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS);

- Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (Mục II, Phụ lục 03 Quyết định số 959/QĐ-BHXH).

* Người lao động:

- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);

- Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (người có công,…): Thêm giấy tờ chứng minh kèm theo bản chính để đối chiếu.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào