Được đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm để hưởng lương hưu
Căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội và điểm 3, Mục VI Thông tư số 24/2007/TT-BLĐTBXH ngày 9/11/2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tính thời gian để hưởng chế độ BHXH theo Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thì thời gian ông Yên đi nghĩa vụ quân sự từ tháng 8/1978 đến tháng 11/1981 chuyển ngành về công tác tại phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Hưng và thời gian từ tháng 11/1989 đến tháng 11/1991 đi lao động hợp tác tại Liên Xô (cũ), nếu chưa nhận được trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chưa hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần thì được tính là thời gian công tác có đóng BHXH để hưởng chế độ theo quy định.
Cũng theo thư phản ánh của ông Yên, thời gian từ tháng 12/1991 đến nay, ông Yên không làm việc và hưởng tiền lương, tiền công tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nào, vì vậy ông không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên không thực hiện truy đóng BHXH bắt buộc đối với thời gian này.
Theo quy định tại Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31/1/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, trường hợp ông Yên nếu chưa quá 60 tuổi và không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật thì được tham gia BHXH tự nguyện, đóng BHXH tự nguyện kể từ thời điểm đăng ký đóng trở đi, không được truy đóng cho thời gian trước. Thời gian đóng BHXH tự nguyện được cộng với thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đó để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất theo quy định của Luật BHXH.
Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị ông Yên liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn thực hiện.
Thư Viện Pháp Luật