Tai nạn làm chết người trong hầm Thủ Thiêm, ai chịu trách nhiệm?

Tai nạn làm chết người trong hầm Thủ Thiêm, ai chịu trách nhiệm?

Như thông tin báo chí đã đăng tải, khoảng 23h30 ngày 19/4, hầm Thủ Thiêm được ngăn một làn đường ôtô hướng từ quận 2 về quận 1. Năm nam công nhân cùng xe nước đang dọn dẹp, vệ sinh bên trong. Lúc này, xe tải loại 1,5 tấn biển số TP.HCM chạy cùng hướng đã tông phải các biển cảnh báo từ xa. Khi vừa qua cửa hầm khoảng 300 m, xe tải tiếp tục húc văng xe nước cùng 5 công nhân đang làm việc.

Các nạn nhân nhanh chóng được lực lượng bảo vệ hầm đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1) cấp cứu. Trong đó, 2 người bị thương nguy kịch, 2 bị xây xát nhẹ.

Riêng anh Phạm Thanh Phong (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị xe tải tông trực diện đã tử vong.

Cần sớm xác định nguyên nhân.

Như thông tin được tiếp nhận, đoạn đường xảy ra tai nạn đã được đặt biển cảnh báo ngăn làn đường phục vụ cho công việc dọn dẹp vệ sinh trong hầm Thủ Thiêm. Như vậy nếu thực hiện đúng các quy định về ngăn đường, cảnh báo thì đây là phần đường cấm các phương tiện lưu thông tại thời điểm đó.

Việc xe tải gây tai nạn tông vào các biển cảnh báo rồi tiếp tục húc văng xe cùng các công nhân dọn vệ sinh gây ra tai nạn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Do thiếu quan sát và làm chủ tốc độ khi lưu thông trên đoạn đường; sự cố kỹ thuật từ xe khiến lái xe không thể điều khiển hoặc tài xế không tỉnh táo,…

Việc xác định nguyên nhân là cơ sở quan trọng để xác định hướng xử lý đối với hành vi mà tài xế đã thực hiện. Có thể khởi tố vụ án hình sự hoặc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự tùy thuộc vào nguyên nhân qua khai thác, điều tra.

Biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân là mấu chốt quan trọng trong xác định hướng xử lý.

Trường hợp vì lý do kỹ thuật, lái xe hoàn toàn trong trạng thái tỉnh táo và không chạy quá tốc độ nhưng vẫn không thể điều khiển được phương tiện thì có thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định tại điều Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Tuy nhiên cần lưu ý, để áp dụng phải xác định rõ đây là trường hợp thiệt hại xảy ra do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ, hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của con người thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như: xe ô tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại.

Còn trong trường hợp lái xe có lỗi trong việc điều khiển phương tiện, vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, thiếu quan sát khi lái xe,… thì sẽ có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009).

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

Với hậu quả  có 1 người đã tử vong, 4 người bị thương, nếu có cơ sở khởi tố hình sự về vi phạm quy định giao thông đường bộ thì tài xế gây tai nạn trên thỏa mãn cấu thành tăng nặng tại khoản 3 điều 202 Bộ luật hình sự.

“3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điểm c tiểu mục 4.3 mục 4 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, có thể là làm chết một người và còn gây hậu quả như tổn hại cho sức khoẻ cho nhiều người khác. Và nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 điều 202 Bộ luật hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt mà tài xế gây tai nạn có thể phải nhận lên tới mười lăm năm tù.

Ngoài ra căn cứ vào tình hình thực tế về mức độ thiệt hại, bên có lỗi gây ra tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo các căn cứ tại điều 609 bộ luật dân sự (yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm).

Mức chi phí hợp lý để làm căn cứ cho việc bồi thường được quy định được hướng dẫn tại Khoản 4 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, bao gồm : Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; các chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với gá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào