Tiền trợ cấp tai nạn lao động gây chết người
Theo như bạn trình bày thì em của bạn thuộc trường hợp chết do tai nạn lao động được quy định ở Điều 105 Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung (BLLĐ) và Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH). Do đó, theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội thì thân nhân của người lao động sẽ được nhận các khoản do người sử dụng lao động (công ty nơi em bạn đang làm việc) và cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, cụ thể như sau: 1. Các khoản do người sử dụng lao động chi trả: Theo quy định tại điều 107 BLLĐ thì người sử dụng lao động phải thanh toán,bồi thường các khoản sau đây: - Chi phí sơ cấp cứu (nếu có); - Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho thân nhân người chết do tai nạn lao động mà không do lỗi của người lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có); - Tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 42 BLLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động chết theo khoản 5 điều 36 BLLĐ (nếu em của bạn đủ điều kiện hưởng theo quy định của pháp luật có liên quan). 2. Từ nguồn bảo hiểm xã hội chi trả: (a) Theo quy định tại điều 63 Luật BHXH, người lao động theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật BHXH (quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) đang đóng bảo hiểm xã hội, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung. (b) Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 47 Luật BHXH thì người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. (c) Ngoài ra, trong trường hợp em của bạn đang tham gia BHXH mà chết do tai nạn lao động thuộc trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 điều 64 Luật BHXH thì thân nhân của người này sẽ được hưởng tiền tuất hằng tháng. Thân nhân được hưởng tuất hằng tháng được quy định tại khoản 2 điều 64 Luật BHXH bao gồm: (i) Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học; con từ đủ 15 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (ii) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (iii) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; (iv) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Thân nhân nói tại các mục (ii), (iii) và (iv) này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Mức trợ cấp tuất hằng tháng được quy định tại điều 65 Luật BHXH như sau: (i) Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không còn người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung; (ii) Số thân nhân được hưởng tuất hằng tháng không quá bốn người; (iii) Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà người lao động chết. Trong trường hợp không có thân nhân đủ điều kiện để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như chúng tôi vừa liệt kê ở trên thì thân nhân của người chết được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức trợ cấp tuất một lần đối với người lao động đang làm việc được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng.
Thư Viện Pháp Luật