Người lao động có thể kiện chủ của doanh nghiệp đã giải thể?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 157, Điều 158 Luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Đối với người lao động, doanh nghiệp phải thực hiện việc thanh toán xong các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì chủ sở hữu công ty của bạn phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên nơi bạn đã làm việc phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, việc chủ sở hữu doanh nghiệp giả mạo hồ sơ (chưa thanh toán xong các khoản nợ, chưa giải quyết xong quyền lợi của người lao động …) để tiến hành giải thể doanh nghiệp thì mặc dù doanh nghiệp đã bị giải thể, chủ sở hữu doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm chi trả lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm … cho người lao động. Nếu chủ sở hữu Công ty mà bạn đã làm việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các quyền lợi nói trên, bạn và những người lao động khác có quyền, lợi ích bị xâm phạm có thể khởi kiện ra Tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Luật sư LÊ CAO (Báo Tuổi trẻ ngày 10/12/2013)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.