Thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông của các lực lượng đến đâu?
Theo quy định, đúng là nhiều lực lượng có thẩm quyền được dừng phương tiện và xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên các lực lượng này trong nhiều trường hợp không được tùy tiện dừng hoặc xử phạt mà chỉ được dừng để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm, và không phải tất cả đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông.
PLO xin tổng hợp như sau:
Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT): Điều 87 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định CSGT đường bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, lực lượng CSGT được quyền xử phạt tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thanh tra giao thông đường bộ: Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVTngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra đường bộ, Thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ.
Khoản 6 Điều 68 Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho phép Thanh tra giao thông có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ; hành vi vi phạm quy định về đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ và một số hành vi vi phạm khác…
Lực lượng này chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm xảy ra và được quyền xử phạt theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên. Thanh tra viên có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với giao thông đường sắt.
Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã: Theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/3/2010 thì: Các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác (gồm cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ, và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).
Các lực lượng này chịu sự kiểm tra, giám sát của CSGT, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong trường hợp có mặt CSGT thì CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định.
Trường hợp các lực lượng trên tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đi cùng, nếu phát hiện vi phạm hành chính thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và tại Điều 68, 69, 70 nghị định 171/2013/NĐ-CP. Chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với vi phạm trong giao thông đường bộ và 500.000 đồng đối với vi phạm đường sắt. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thực tế, hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM còn có các Tổ công tác liên ngành như 141, 113 gồm: cảnh sát cơ động, CSGT, cảnh sát hình sự được thành lập với nhiệm vụ chính là tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Vì vậy, lực lượng này cũng có quyền được phép dừng xe và xử phạt người vi phạm giao thông.
Lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố: Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố thì lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố có quyền: Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội”.
Lực lượng dân phòng chỉ có trách nhiệm báo cáo với UBND và CA phường về hành vi vi phạm chứ không được quyền xử phạt. Tuy nhiên, thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng vượt quyền, lạm quyền của lực lượng này nên cũng gây sự bức xúc đối với người dân. Tình trạng này cần sớm được chấn chỉnh để tránh những hậu quả và nguy cơ xung đột không đáng có.
Như vậy, các lực lượng được xử phạt vi phạm giao thông bao gồm:
Lực lượng CSGT, cảnh sát 113, 141 được dừng xe và xử phạt đối với các vi phạm về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông. Khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT phải đeo biển hiệu và Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát.
Lực lượng cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn được dừng xe vi phạm và xử phạt khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Người tham gia giao thông có quyền hỏi lực lượng công an khi bị dừng xe và xử phạt về kế hoạch và quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép dừng xe vi phạm giao thông và xử phạt.
Thanh tra giao thông dừng xe và xử phạt trong một số trường hợp thuộc thẩm quyền theo quy định.
Khi bị dừng phương tiện, người dân có quyền được biết mình đã vi phạm về hành vi gì và lực lượng dừng xe có trách nhiệm thông báo về lỗi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.