Bán tài sản trả nợ ngân hàng có phải chịu thuế giá trị gia tăng?

Doanh nghiệp chúng tôi có vay nợ Ngân hàng 800 triệu đồng. Do làm ăn thua lỗ nên chúng tôi không có khả năng trả nợ khi đến hạn, chúng tôi phải bán tài sản thế chấp là xe ô tô để trả nợ. Khi tiến hành bán xe thì phải tiến hành xuất hóa đơn để thực hiện các thủ tục theo luật định. Vậy, chúng tôi có phải chịu thuế giá trị gia tăng không?

Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 8 Điều 5 Luật Thuế Giá trị gia tăng 2008, sửa đổi, bổ sung 2013; Khoản 2 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, ngày 12 tháng 02 năm 2015 Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, ngày 27 tháng 02 năm 2015 Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, ngày 12 tháng 02 năm 2015 và sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 39/2014/TT-BTC, ngày 31 tháng 3 năm 2014 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, một trong các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là dịch vụ cấp tín dụng trong đó có hình thức bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể: Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Có thể lấy ví dụ:

Ví dụ 01: Tháng 03/2015, Doanh nghiệp A là cơ sở kinh doanh nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có thể chấp dây chuyền, máy móc thiết bị để vay vốn tại Ngân hàng B, thời gian vay là 01 năm, hạn trả nợ là ngày 31/3/2016. Đến ngày 31/3/2016, Doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho Ngân hàng B thì khi bàn giao tài sản, Doanh nghiệp A không phải lập hóa đơn. Ngân hàng B bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thì tài sản bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ 02: Tháng 12/2014, Doang nghiệp E là cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khẩu trừ có thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng F, thời gian vay là 01 năm, hạn trả nợ là 15/12/2016. Ngân hàng F và Doanh nghiệp E có đăng ký giao dịch bảo đảm (thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất) với cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 15/12/2016, Doanh nghiệp E không có khả năng trả nợ và Ngân hàng F đã có văn bản đồng ý giải chấp để Doanh nghiệp E được bán nhà xưởng để trả nợ. Tháng 01/2017, doanh nghiệp E bán nhà xưởng để trả nợ Ngân hàng F thì nhà xưởng bán thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, trong trường hợp của doanh nghiệp anh/chị, việc bán tài sản thế chấp là xe ô tô để trả nợ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo những quy định pháp luật mà chúng tôi đã viện dẫn.

HUY LÂM

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào