Chưa trộm được tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Xin chào báo Đời sống & Pháp luật! Tôi có một vấn thắc mắc: Một người đã có tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích thực hiện hành vi phá cửa nhà người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, chưa lấy được tài sản thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Vậy người thực hiện hành vi đó có bị xử lý hình sự? Tuyết Mai

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, hành vi của tên trộm được coi là phạm tội chưa đạt. Đây là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tội phạm chưa đạt là trường hợp đã bắt đầu cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm. Khác với chuẩn bị phạm tội, thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (bất kỳ tội phạm nào do cố ý).

Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó.

- Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó.

Ví dụ 1: Một người tội phạm có tính chất chuyên nghiệp đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II thì bị bắt hoặc một người chưa có tiền án, tiền sự đang trộm cắp tài sản có giá trị 100 triệu đồng thì bị phát hiện. Những người này sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 (điểm c hoặc điểm e).

Ví dụ 2: Một người đã bị xử phạt 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xoá án tích mà lại phá khoá cửa vào nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, nhưng chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì hành vi của người này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng không xác định được thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999; do đó, chỉ có căn cứ xét xử họ theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm mà người đó thực hiện không đạt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc trong trường hợp không thể xác định được hành vi vi phạm mà họ thực hiện không đạt đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, thì áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố bị cáo không phạm tội mà họ đã bị truy tố.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn B (chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích) đang lừa đảo người khác để chiếm đoạt tài sản có giá trị 300 nghìn đồng thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì hành vi vi phạm của Nguyễn Văn B không cấu thành tội phạm; do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 1999 tuyên bố Nguyễn Văn B không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà họ đã bị truy tố.

Ví dụ 2 : Trần C (chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích) phá khoá cửa và nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, nhưng chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ, Trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì không thể xác định được hành vi vi phạm của Trần C đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa (vì không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt); do đó, áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 1999 tuyên bố Trần C không phạm tội "trộm cắp tài sản" mà họ đã bị truy tố.

- Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 18 và các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999”.

Ví dụ: Trần M là tái phạm nguy hiểm đang phá khoá để trộm cắp chiếc xe máy Dream II có giá trị 25 triệu đồng, thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này phải tuyên bố trong bản án là: "Trần M phạm tội trộm cắp tài sản (chưa đạt); áp dụng điểm c khoản 2 Điều 138, Điều 18, các khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Trần M....

Về hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt: Theo khoản 1 và 3 Điều 52 Bộ Luật Hình sự quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt:

- Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

- Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, có thể thấy phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra đối với loại tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Trong đó, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa thực hiện trọn vẹn hay chưa hoàn thành tội phạm đó vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội; người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Đối chiếu với trường hợp của bạn mặc dù tên trộm chưa hoàn thành việc trộm cắp và chưa lấy được tài sản của bạn nhưng tên trộm này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự.

Hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp tài sản nhưng chưa đạt được mục đích sẽ được áp dụng theo các hình phạt đối với tội tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào