Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam có bắt buộc phải treo Quốc kỳ nước ta không?
Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam có bắt buộc phải treo Quốc kỳ nước ta không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 95 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam như sau:
Nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
...
4. Khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia tàu mang cờ;
b) Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu;
c) Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản;
d) Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam;
đ) Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký;
e) Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang quy định.
...
Như vậy, theo quy định trên, đối với tàu quân sự nước ngoài là tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển đều phải thực hiện nghi thức treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ.
Việc treo cờ có thể không thực hiện trong trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia tàu mang cờ.
Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam có bắt buộc phải treo Quốc kỳ nước ta không? (Hình từ Internet)
Thời hạn làm thủ tục tàu thuyền đến và rời cảng biển là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 96 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về thời hạn làm thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển như sau:
Thời hạn làm thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển
1. Chậm nhất là 02 giờ kể từ khi tàu thuyền đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc dự kiến rời cảng, người có trách nhiệm phải làm thủ tục cho tàu thuyền đến hoặc rời cảng biển.
2. Chậm nhất là 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định thì Cảng vụ hàng hải phải quyết định việc cho tàu thuyền đến, rời cảng biển.
...
Như vậy, theo quy định trên, trước ít nhất 02 giờ kể từ khi tàu thuyền đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc dự kiến rời cảng, người có trách nhiệm phải làm thủ tục cho tàu thuyền đến hoặc rời cảng biển.
Chậm nhất là 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định thì Cảng vụ hàng hải phải ra quyết định việc cho tàu thuyền đến, rời cảng biển.
Trường hợp nào được miễn thực hiện các thủ tục đến và rời cảng biển?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về các trường hợp miễn thực hiện các thủ tục đến, rời cảng như sau:
Quy định miễn, giảm thủ tục đến, rời cảng biển đối với các trường hợp đặc biệt
1. Tàu công vụ đang thực hiện nhiệm vụ, tàu đón, trả hoa tiêu, tàu chuyên dùng thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm an toàn hàng hải, phòng chống cháy, nổ, phòng chống tràn dầu hoặc thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khác được miễn thực hiện các thủ tục đến, rời cảng theo quy định nhưng thuyền trưởng của tàu thuyền phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết bằng văn bản hoặc bằng hình thức, phương tiện thông tin phù hợp khác.
...
Như vậy, theo quy định trên, những trường hợp sau đây được miễn thực hiện các thủ tục đến và rời cảng biển:
- Tàu công vụ đang thực hiện nhiệm vụ;
- Tàu đón, trả hoa tiêu;
- Tàu chuyên dùng thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm an toàn hàng hải, phòng chống cháy, nổ, phòng chống tràn dầu;
- Tàu thuyền thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khác.
Thuyền trưởng của tàu thuyền được miễn thực hiện các thủ tục đến và rời cảng biển phải có trách nhiệm thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết bằng văn bản hoặc bằng hình thức, phương tiện thông tin phù hợp khác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.