Có phải chủ phương tiện sẽ làm chỉ huy chữa cháy nếu cháy phương tiện khi đang lưu thông?
- Có phải chủ phương tiện sẽ làm chỉ huy chữa cháy nếu cháy phương tiện khi đang tham gia giao thông?
- Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy sẽ thực hiện như thế nào?
- Những việc cần làm để khắc phục hậu quả của đám cháy bao gồm những công việc gì?
- Ai là người có trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng?
Có phải chủ phương tiện sẽ làm chỉ huy chữa cháy nếu cháy phương tiện khi đang tham gia giao thông?
Căn cứ Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) quy định người chỉ huy chữa cháy bao gồm:
Người chỉ huy chữa cháy
1. Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.
2. Trường hợp tại nơi xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa đến kịp thì người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:
a) Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;
b) Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;
c) Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;
d) Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn, tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.
Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;
đ) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
Như vậy, trong trường hợp phương tiện của bạn đột ngột bốc cháy khi tham gia giao thông thì chủ phương tiện tức là bạn sẽ chỉ huy chữa cháy trong trường hợp này.
Có phải chủ phương tiện sẽ làm chỉ huy chữa cháy nếu cháy phương tiện khi đang lưu thông? (Hình từ Internet)
Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy sẽ thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) quy định về nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy như sau:
Quyền và trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy
1. Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có các quyền sau đây:
a) Huy động ngay lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy;
b) Quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;
c) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ qua lại khu vực chữa cháy; huy động người và phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy;
d) Quyết định phá dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản trong tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
2. Người chỉ huy chữa cháy là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trở lên được thực hiện các quyền quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi quản lý của mình.
Người chỉ huy chữa cháy quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 37 của Luật này trong phạm vi quản lý của mình được thực hiện các quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Mọi người phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Như vậy, những người có chức vụ chỉ huy chữa cháy sẽ có những quyền và trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Những việc cần làm để khắc phục hậu quả của đám cháy bao gồm những công việc gì?
Căn cứ Điều 40 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) khắc phục hậu quả vụ cháy quy định như sau:
Khắc phục hậu quả vụ cháy
1. Khắc phục hậu quả vụ cháy gồm những việc sau đây:
a) Tổ chức cấp cứu ngay người bị nạn; cứu trợ, giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định đời sống;
b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội;
c) Nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trở lên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có cơ sở bị cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, để khắc phục việc cần làm là phải:
-Tổ chức cấp cứu ngay người bị nạn; cứu trợ, giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định đời sống;
-Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội;
-Nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.
Ai là người có trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng?
Căn cứ Điều 39 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung 2013) quy định về trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng như sau:
Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra cháy có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy; nếu vượt quá khả năng của mình thì nhanh chóng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên chỉ đạo giải quyết; trường hợp thật cần thiết thì báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chỉ đạo giải quyết.
3. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ cháy mà sẽ do từng cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy và quyết định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.