Có phải đóng thuế giá trị gia tăng không khi chuyển nhượng vốn nhưng không thành lập công ty mới?
Chuyển nhượng vốn nhưng không thành lập công ty mới có phải đóng thuế giá trị gia tăng không?
Tại điểm d khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, như sau:
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bạn muốn chuyển nhượng vốn nhưng không tham gia thành lập công ty mới thì không cần phải đóng thuế giá trị gia tăng.
Có phải đóng thuế giá trị gia tăng không khi chuyển nhượng vốn nhưng không thành lập công ty mới? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp chuyển nhượng vốn góp có được dùng tiền mặt không?
Theo Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, theo đó:
1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn góp không được sử dụng tiền mặt trong chuyển góp vốn vay, mua bán, chuyển nhượng vốn góp giữa các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chuyển nhượng vốn góp bằng tiền mặt bị phạt tiền như thế nào?
Tại điểm e, điểm g khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định như sau:
8. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;
b) Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.”;
g) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;
b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6, điểm c khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này;
c) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 6 Điều này.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền, như sau:
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.
Với quy định thì khi doanh nghiệp chuyển nhượng vốn góp bằng tiền mặt sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.
Đồng thời, còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và không được cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.