Bao nhiêu năm kinh nghiệm trong ngành thì tổ chức nước ngoài mới được góp vốn mở doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở Việt Nam?
Tổ chức nước ngoài muốn góp vốn mở doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở Việt Nam phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong ngành?
Tại Điều 9 Nghị định 73/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Nghị định 151/2018/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cụ thể như sau:
Điều kiện thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
1. Tổ chức Việt Nam, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này.
2. Tổ chức nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định này và các điều kiện sau:
a) Là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm tại Việt Nam;
b) Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm.
c) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động môi giới bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm bạn của bạn muốn góp vốn mở doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cùng bạn ở Việt Nam thì phải có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong ngành môi giới bảo hiểm.
Bao nhiêu năm kinh nghiệm trong ngành thì tổ chức nước ngoài được góp vốn mở doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở Việt Nam? (Hình từ Internet)
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm gốc là bao nhiêu tiền?
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:
Vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
1. Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:
a) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam;
b) Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam.
c) Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
...
Với quy định này thì mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc có vốn pháp định là 04 tỷ đồng Việt Nam.
Thủ tục sau khi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động là gì?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định thủ tục sau khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, theo đó:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung chủ yếu như sau:
+) Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; tên, địa chỉ của chi nhánh nước ngoài;
+) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
+) Mức vốn điều lệ và số vốn điều lệ đã góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; vốn được cấp của chi nhánh nước ngoài;
+) Họ, tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
+) Số và ngày cấp Giấy phép;
+) Các nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ môi giới bảo hiểm được phép kinh doanh.
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp hoặc vốn được cấp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mức tiền ký quỹ bằng 2% vốn pháp định được quy định tại Điều 10 Nghị định này.
- Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hoàn tất các thủ tục dưới đây để chính thức hoạt động:
+) Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp);
+) Đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng theo quy định pháp luật;
+) Thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
+) Thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài), phê chuẩn các chức danh quản trị, điều hành;
+) Ban hành các quy trình khai thác, giám định, bồi thường, kiểm soát nội bộ, quản lý tài chính và đầu tư, quản lý chương trình tái bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài).
- Nếu quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không hoàn tất các thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này để bắt đầu hoạt động, Bộ Tài chính sẽ thu hồi Giấy phép đã cấp.
- Trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có những thay đổi phải được Bộ Tài chính chấp thuận theo khoản 1 Điều 69 Luật kinh doanh bảo hiểm và khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm thì phải tiến hành công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.