Mục tiêu đến năm 2030 về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 được quy định ra sao?
Mục tiêu đến năm 2030 về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 như thế nào?
Tại Tiết b Tiểu mục 2 Mục II Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành kèm theo Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2022 có quy định về mục tiêu đến năm 2030 về chiến lược công tác dân tộc như sau:
b) Mục tiêu đến năm 2030
- Tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tối thiểu từ 6,0 đến 6,5%/năm.
- Thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
- Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng bình quân 6,5%/năm.
- Chỉ số phát triển con người là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (HDI) đạt trên 0,69.
- Tuổi thọ trung bình người dân tộc thiểu số đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.
- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
- Trên 95% cán bộ, công chức cấp xã của Vùng có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng.
- Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa.
- Xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái.
- Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
- Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.
- Góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đạt tối thiểu 42%.
- Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Trên đây là mục tiêu đến năm 2030 về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu đến năm 2030 về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 được quy định ra sao? (Hình từ Internet)
Tầm nhìn đến năm 2045 về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 như thế nào?
Tại Tiểu mục 3 Mục II Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành kèm theo Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2022 có quy định về tầm nhìn đến năm 2045 về chiến lược công tác dân tộc như sau:
3. Tầm nhìn đến năm 2045
- Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 1/2 bình quân chung của cả nước.
- Cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Nhiệm vụ đột phá về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 như thế nào?
Tại Tiểu mục 1 Mục III Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành kèm theo Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2022 có quy định về nhiệm vụ đột phá về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 như sau:
1. Nhiệm vụ đột phá
a) Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
b) Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
c) Về phát triển nguồn nhân lực
- Ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội.
- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.
- Quan tâm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ nâng cao năng lực để đủ điều kiện giới thiệu tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.
- Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như: Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm...
d) Phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng và liên thông vận tải với các nước bạn có chung đường biên giới.
đ) Phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
e) Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
g) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.