Quy chuẩn về phá dỡ công trình trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Quy chuẩn phá dỡ công trình trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiết 2.15.1 Tiểu mục 2.15 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn phá dỡ công trình trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.15.1.1 Khi phá dỡ công trình, các công việc khảo sát, thiết kế phá dỡ, lập biện pháp và quy trình phá dỡ, lập biện pháp ĐBAT, thi công phá dỡ, vận chuyển và xử lý chất thải từ việc phá dỡ (kể cả các chất, hóa chất nguy hiểm phát sinh từ chất thải) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, pháp luật chuyên ngành khác có liên quan và các quy định trong quy chuẩn này.
2.15.1.2 Phải chuẩn bị các nội dung sau để phục vụ cho việc phá dỡ công trình:
a) Khảo sát và thu thập tất cả thông tin về giải pháp kết cấu, chi tiết liên kết (cấu tạo) kết cấu, bản vẽ hoàn công và (hoặc) bản vẽ triển khai chi tiết thi công công trình;
CHÚ THÍCH: Trường hợp không có bản vẽ thiết kế, hoàn công của công trình hiện hữu, người quyết định phá dỡ hoặc nhà thầu phá dỡ có trách nhiệm tổ chức (và thực hiện nếu đủ điều kiện năng lực) lập đề cương, khảo sát và lập hồ sơ hiện trạng kết cấu công trình, bao gồm cả các thông tin về việc điều chỉnh, thay đổi công năng sử dụng, kết cấu nếu có (kể cả trong quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp).
b) Khảo sát và thu thập các thông tin về các chất, hóa chất nguy hiểm có mặt trong công trình; về các hệ thống kỹ thuật đang có để nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;
c) Nhận diện, đánh giá các nguy cơ sụp đổ kết cấu, bộ phận kết cấu công trình trong quá trình phá dỡ;
CHÚ THÍCH: Khi khảo sát kết cấu phải đặc biệt lưu ý đến điều kiện địa chất (nền đất) nơi đặt công trình, tình trạng kết cấu mái (hệ dàn, dầm, sàn mái), loại hình kết cấu được sử dụng cho hệ kết cấu chịu lực chính của công trình (như cột, tường, dầm và kết cấu chịu lực chính khác).
d) Khảo sát và xác định vị trí của các cơ sở y tế, viễn thông, sản xuất công nghiệp và các cơ sở khác có sử dụng các thiết bị nhạy cảm với dao động, bụi và tiếng ồn;
đ) Thiết kế phá dỡ (phải bao gồm thông tin chi tiết về trình tự và biện pháp phá dỡ), kế hoạch và biện pháp ĐBAT.
CHÚ THÍCH 1: Biện pháp ĐBAT khi phá dỡ phải xét đến các yếu tố có liên quan bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau: Phương pháp, trình tự thực hiện; sử dụng các loại máy, thiết bị, dụng cụ; biện pháp che chắn; KCCĐT; giàn giáo và phương tiện tiếp cận khác; biện pháp đảm bảo vệ sinh, môi trường và các nội dung khác liên quan đến ĐBAT cho người. Các yếu tố nguy hiểm phải được nhận diện và có biện pháp xử lý cụ thể.
CHÚ THÍCH 2: Khi áp dụng kỹ thuật sụp đổ chủ động để phá dỡ xem thêm quy định tại 2.15.1.14 và (hoặc) 2.15.1.15.
2.15.1.3 Trước khi bắt đầu phá dỡ phải thực hiện các nội dung sau:
a) Kiểm tra để xác nhận không còn người không có nhiệm vụ ở trong công trường;
b) Ngắt tất cả các nguồn và thiết bị cấp điện, khí đốt, nước, hơi nước, các loại khí và nguồn cấp khác cho công trình bị phá dỡ. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng một số nguồn cấp (ví dụ: sử dụng điện, nước), nguồn cấp phải được bao che kín ĐBAT và có người làm nhiệm vụ bảo vệ, giám sát từ bên ngoài công trình bị phá dỡ.
2.15.1.4 Trong quá trình phá dỡ, nếu cần thiết phải duy trì nguồn cấp điện, nước hoặc các tiện ích bên trong công trình bị phá dỡ, chúng phải được bảo vệ để tránh các hư hỏng.
2.15.1.5 Các vùng nguy hiểm phải được rào chắn kín, có bảng chỉ dẫn, cảnh báo đầy đủ và có người để cảnh báo, kiểm soát chống xâm nhập. Rào chắn bảo vệ bên ngoài công trình phải vững chắc, cao tối thiểu 2 m, quây kín khu vực phá dỡ. Tại các cổng ra vào và bên ngoài rào chắn phải có người giám sát, bảo vệ (kể cả ngoài giờ làm việc).
CHÚ THÍCH: Xem thêm quy định về các loại vùng nguy hiểm trong công trình để kiểm soát an toàn tại 2.1.1.2, 2.1.1.3 và 2.1.1.4.
2.15.1.6 Người lao động tham gia phá dỡ chỉ được thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Trước mỗi ca làm việc, người sử dụng lao động phải hướng dẫn cụ thể cho người lao động về nội dung, trình tự, biện pháp thực hiện các công việc và các biện pháp ĐBAT. Tất cả các công việc phá dỡ phải được điều phối, giám sát bởi người có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công, quản lý an toàn của nhà thầu và (hoặc) người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.15.1.7 Trường hợp công trình bị phá dỡ có chứa các chất, hóa chất nguy hiểm thì phải thực hiện tẩy độc, làm sạch; khi cần thiết, người lao động phải được trang bị và sử dụng PTBVCN phù hợp, đặc biệt là phương tiện bảo vệ đường hô hấp.
2.15.1.8 Trường hợp công trình bị phá dỡ có chứa các vật liệu, chất dễ cháy và (hoặc) khi phá dỡ có sử dụng thì trước và trong quá trình phá dỡ phải thực hiện các biện pháp ĐBAT sau:
a) PCCC theo quy định tại 2.1.8;
b) Cách ly công trình bị phá dỡ với các công trình hiện hữu lân cận bằng vật liệu chống cháy;
c) Dọn sạch và vận chuyển đi nơi khác các vật liệu, chất dễ cháy trong công trình.
2.15.1.9 Khi phá dỡ kết cấu công trình, phải thực hiện theo đúng trình tự quy định trong thiết kế phá dỡ đối với các cấu kiện, bộ phận kết cấu và phải thực hiện thận trọng để không gây mất ổn định của các phần công trình chưa được phá dỡ.
2.15.1.10 Để ngăn ngừa nguy hiểm do sụp đổ các cấu kiện, bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình, việc chống đỡ tạm phải được thực hiện theo quy định tại 2.3. KCCĐT phải phù hợp với tình trạng kết cấu sau khi khảo sát và đánh giá an toàn kết cấu ban đầu (nêu tại 2.15.1.2), phù hợp với trình tự phá dỡ kết cấu và loại máy, thiết bị sử dụng để phá dỡ.
2.15.1.11 Không được phép lưu trữ các cấu kiện, phần kết cấu đã phá dỡ ở phía bên trên công trình đang phá dỡ để ngăn ngừa chúng rơi, đổ xuống phía dưới do gió hoặc các tác động khác như rung động, va chạm.
2.15.1.12 Để chống bụi, phải phun nước vào phần công trình đang phá dỡ hoặc cả công trình nếu cần thiết theo các khoảng thời gian định kỳ phù hợp. Khi sử dụng nước, phải chú ý ĐBAT điện.
2.15.1.13 Không được phép phá dỡ các tường ngầm hoặc kết cấu móng nếu chúng được sử dụng để làm kết cấu chắn đất đá hoặc chống đỡ cho công trình hoặc kết cấu liền kề. Phải thực hiện các công việc sau đây trước khi phá dỡ:
a) Gia cố, giằng chống, neo giữ chắc chắn các công trình hoặc kết cấu liền kề; và (hoặc)
b) Chuyển đi hoặc có biện pháp chống đỡ, neo giữ chắc chắn đối với phần đất đá mà tường ngầm hoặc kết cấu móng phải chắn, đỡ.
2.15.1.14 Kỹ thuật sụp đổ chủ động chỉ được sử dụng để phá dỡ công trình khi thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Khu vực xung quanh công trình bị phá dỡ tương đối bằng phẳng và đủ rộng cho tất cả các công việc liên quan đến phá dỡ;
b) Các thiết bị và người có thể di chuyển đến vị trí an toàn.
2.15.1.15 Trước khi phá dỡ công trình bằng biện pháp kỹ thuật sụp đổ chủ động, trường hợp công trình bị phá dỡ đang không phải chịu tải trọng bằng tải trọng thiết kế, để việc phá dỡ hiệu quả hơn, có thể thực hiện một số công việc theo trình tự sau:
a) Trước tiên, giảm bớt trọng lượng công trình cần phá dỡ bằng cách loại bỏ bớt một số vật thừa, cấu kiện phi kết cấu;
b) Sau đó, làm giảm yếu trước kết cấu (giảm KNCL) công trình bằng cách phá dỡ bớt hoặc gây giảm yếu một số kết cấu chịu lực. Việc này phải được tính toán, kiểm tra kỹ để đảm bảo công trình vẫn đủ KNCL và ổn định trước các tác động của gió, va chạm hoặc các tác động khác.
CHÚ THÍCH: Các loại cấu kiện phi kết cấu xem CHÚ THÍCH 4 tại 2.10.1.1.
2.15.1.16 Khi sử dụng chất nổ để phá dỡ công trình hoặc một phần công trình, người sử dụng lao động phải xác lập vùng nguy hiểm do vụ nổ gây ra. Việc phá dỡ sử dụng chất nổ phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm và phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, các quy định tại 2.17 và các quy định khác của quy chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Khi xác lập vùng nguy hiểm, phải xem thêm các quy định tại 2.1.1.4.
2.15.1.17 Khi sử dụng chất nổ, người sử dụng lao động phải có phương án cụ thể cho việc dọn dẹp, vệ sinh và thoát nạn khi cần thiết. Biện pháp che chắn, bảo vệ vùng nguy hiểm phải đưa ra ở mức độ cao về ĐBAT nhưng không được xem là biện pháp ĐBAT duy nhất.
2.15.1.18 Khi sử dụng các thiết bị như máy xúc, máy ủi để phá dỡ, phải xét đến các đặc điểm, kích thước của kết cấu bị phá dỡ và năng lực của thiết bị sử dụng. Sử dụng máy xúc, ủi xem quy định tại 2.5.
2.15.1.19 Khi sử dụng quả nặng để phá dỡ:
a) Vùng nguy hiểm quanh công trình phải có chiều rộng tối thiểu tính từ điểm tiếp xúc của quả nặng với công trình bằng 1,5 lần chiều cao của công trình được phá dỡ;
CHÚ THÍCH: Xem thêm các quy định về vùng nguy hiểm tại 2.1.1.4.
b) Các quả nặng phải được kiểm soát để không thể va đập vào các kết cấu hoặc công trình khác ở khu vực lân cận công trình bị phá dỡ.
2.15.1.20 Khi dùng gầu ngoạm (hoặc đầu búa) để phá dỡ, vùng nguy hiểm phải có khoảng cách tối thiểu là 8 m tính từ đường di chuyển của gầu (hoặc đầu búa).
2.15.1.21 Trong khi phá dỡ, nếu không có biện pháp ĐBAT để ngăn ngừa nguy hiểm do các vật rơi, phải lắp đặt sàn đỡ an toàn dọc theo tường hoặc mép ngoài của công trình bị phá dỡ. Sàn đỡ an toàn phải có bề rộng tối thiểu là 1,5 m và khả năng chịu hoạt tải tối thiểu là 6,0 kN/m2. Ngoài ra, để tránh các vật rơi văng ra từ sàn đỡ an toàn, phải bổ sung các lưới chắn an toàn theo phương thẳng đứng.
Theo đó, khi phá dỡ công trình, các công việc khảo sát, thiết kế phá dỡ, lập biện pháp và quy trình phá dỡ, lập biện pháp ĐBAT, thi công phá dỡ, vận chuyển và xử lý chất thải từ việc phá dỡ (kể cả các chất, hóa chất nguy hiểm phát sinh từ chất thải) phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, pháp luật chuyên ngành khác có liên quan và các quy định trong quy chuẩn này.
Quy chuẩn về phá dỡ công trình trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy chuẩn phá dỡ tường trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiết 2.15.2 Tiểu mục 2.15 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn phá dỡ tường trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.15.2.1 Tường phải được phá dỡ theo từng tầng, theo thứ tự từ mái xuống dưới.
2.15.2.2 Đối với các tường độc lập, phải có các biện pháp chống đỡ hoặc neo giữ phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ tường bị đổ ngoài chủ định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.